Bệnh cúm do virus cúm (Influenzae) gây ra, rất dễ lan truyền từ người sang người qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp người mang bệnh.
Có 2 lý do chính khiến cúm A trở nặng:
- Virus cúm luôn luôn biến đổi: Đáp ứng miễn dịch chúng ta có được sau khi nhiễm cúm hoặc tiêm ngừa mùa này có thể không còn giá trị với virus cúm (đã biến đổi) mùa sau.
- Bệnh cúm thường không bao giờ gây tổn thương đơn lẻ, mà theo sau nó là nhiễm khuẩn do phế cầu (và các vi khuẩn khác), gây viêm tai giữa, viêm phế quản phổi, viêm phổi cấp (ARDS), viêm cơ tim, viêm não… và/hoặc đợt bùng phát các bệnh mạn tính.
Các biến chứng cúm hay gặp ở trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, xơ gan, ung thư giai đoạn muộn, các tình trạng suy giảm miễn dịch...
1. Lưu ý khi điều trị bệnh cúm A
Sau khi bị nhiễm virus cúm từ 2-4 ngày, người bệnh bắt đầu biểu hiện các triệu chứng: Đột ngột sốt cao 39-40 độ C, rét run, nhức đầu, choáng váng, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, đau mỏi toàn thân.
Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng viêm long đường hô hấp như: Sổ mũi, hắt hơi, rát họng, ho khan. Một số bệnh nhân có thể có viêm thanh khí quản, có tiếng ho ông ổng, mệt nhiều, ăn ngủ kém, môi khô, lưỡi bẩn. Sốt cao liên tục có thể đến 3 - 4 ngày, sau đó sốt lui dần nhưng tình trạng mệt mỏi còn có thể kéo dài hàng tuần sau đó.
Ở trẻ nhỏ hoặc những người có bệnh mạn tính kèm theo có thể bị bội nhiễm vi khuẩn dẫn đến viêm mũi họng cấp, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản phổi…
Đa số trường hợp cúm nói chung chỉ điều trị triệu chứng, hạ sốt, bổ sung vitamin... và tự hồi phục.
Thông thường, nếu sau 4 - 5 ngày mà tình trạng sốt không giảm, hoặc xuất hiện ho nhiều có đờm đổi màu, hoặc khó thở… thì người bệnh cần đến cơ sở y tế khám để phát hiện các biến chứng kịp thời.
Những người có bệnh mạn tính hoặc phụ nữ có thai bị nhiễm cúm nên đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt để xem xét sử dụng thuốc kháng virus (tamiflu) đúng chỉ định. Một số ít bệnh nhân có thể tiến triển nhanh và nguy kịch, sau khi xuất hiện sốt cao, người bệnh vật vã, mê sảng, co giật, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt, tím tái... Những trường hợp này cần phải đưa vào bệnh viện điều trị tích cực ngay.
Bệnh nhân phải được điều trị ở cơ sở y tế và theo dõi sát. Nếu có tổn thương phổi nặng hoặc có suy đa phủ tạng, cần áp dụng các biện pháp hồi sức chuyên sâu, dùng kháng sinh chống bội nhiễm, thở máy, lọc máu hoặc hệ thống tim phổi ngoài cơ thể (ECMO)…
Cúm A thường gây ra các biến chứng nặng, đặc biệt ở người trên 65 tuổi.
2. Phòng ngừa bệnh cúm A bằng vaccine có hiệu quả không?
Tiêm chủng là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm và những biến chứng của cúm, đặc biệt ở trẻ em:
Giảm 36% nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ.
Giảm 33% nguy cơ viêm đường hô hấp trên và giảm 22% viêm đường hô hấp dưới ở trẻ 2–5 tuổi.
Giảm 41% nguy cơ xảy ra cơn hen kịch phát ở trẻ bị hen.
Giảm 63% nhiễm cúm ở trẻ sơ sinh.
Giảm 36% bệnh hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh và bà mẹ…
Vaccine cúm được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người già. Việc tiêm ngừa cúm đặc biệt cần thiết cho các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và người mắc bệnh mạn tính. Một năm chỉ tiêm một lần.
Tiêm vaccine là cách phòng ngừa cúm hiệu quả.
Hiện nay, tại Việt Nam có 4 loại vaccine ngừa cúm:
- Vaxigrip Tetra (Pháp), 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến người già.
- Influvac Tetra (Hà Lan), 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 3 tuổi đến người già.
- GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc), 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến người già.
- Ivacflu-S (Việt Nam), 3 chủng, tiêm cho người từ 18 – 60 tuổi.
Các loại vaccine này đều là loại bất hoạt. Nghĩa là virus cúm được tiêu diệt bằng nhiệt, hóa chất, tia xạ… sau đó tách ra lấy một phần nhỏ chứa kháng nguyên, dùng làm nguyên liệu sản xuất vaccine. Phương thức sản xuất này mang lại hiệu quả phòng bệnh cao và rất an toàn.
Sau khi tiêm vaccine, một số ít trường hợp có thể xuất hiện các phản ứng không mong muốn như: Sốt nhẹ, khó chịu, sưng tại chỗ tiêm, đau cơ… Các triệu chứng này thường tự hết trong 1-2 ngày mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Công thức cúm trong vaccine ngừa cúm luôn bao gồm: 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 1 hoặc 2 chủng cúm B. Công thức này có thể thay đổi hàng năm dựa vào kết quả phân tích về virus cúm của WHO, với hơn 100 trung tâm thu thập thông tin, đặt khắp nơi trên thế giới.
Tiêm ngừa cúm ngăn ngừa được 90% - 98% nguy cơ mắc cúm đối với 4 chủng virus có trong thành phần vaccine, ngăn ngừa được 60-80% nguy cơ nhiễm bệnh chung, tùy thuộc độ tuổi và khu vực lưu hành dịch.
Vì virus cúm có hàng trăm type, vaccine chỉ chứa 2 chủng A và 2 chủng B hay gặp nhất trong mùa dịch, nên vaccine không thể bảo vệ chúng ta 100%. Tuy vậy, miễn dịch chéo có thể khiến triệu chứng bệnh giảm mức độ nghiêm trọng.
Nếu đã hoặc vừa mới nhiễm cúm, có nên tiêm không?
Vẫn nên tiêm, vì khi mắc chúng ta chỉ có đáp ứng miễn dịch với 01 chủng virus, mà virus cúm có rất nhiều chủng khác nhau.
Nếu mới tiêm ngừa cúm chưa được 6 tháng mà vô tình hoặc mong muốn tiêm ngay mũi tiếp theo, có sao không?
Thường là không sao, việc này cũng giống như chúng ta tiếp xúc với người bị cúm khi chúng ta đã tiêm ngừa, không có gì nguy hiểm.