Bệnh nhân đến Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện khám và cho biết khoảng một tuần sau khi tiêm chất làm đầy (filler), chị sốt cao không dứt, căng tức hai bên ngực. Nhân viên spa giải thích đây là phản ứng bình thường, sau vài ngày sẽ hết và cho chị uống thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, sau khi uống, do ngực sưng to hơn, chị đến một cơ sở thẩm mỹ khác để chọc hút dịch ra ngoài, đồng thời uống kháng sinh liều cao nhưng vẫn không bớt.
Ngày 28/7, bác sĩ Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bầu ngực sưng to, nóng, có dấu hiệu chọc hút nhiều lần. Kết quả siêu âm, chụp cộng hưởng từ phát hiện ngực bị áp xe đa ổ và viêm. Nguyên nhân do tiêm filler không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vô khuẩn và đúng kỹ thuật.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ rạch chích mủ làm sạch tổ chức, loại bỏ ổ viêm, hoại tử và filler không rõ nguồn gốc kết hợp dùng kháng sinh theo phác đồ điều trị. Hiện, ngực bệnh nhân đã giảm sưng và dịch mủ cũng ít đi, sức khỏe cải thiện hơn.
Các bác sĩ chích rạch vùng tổn thương để loại bỏ ổ viêm, hoại tử cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ cho biết, tiêm filler mang hiệu quả nhanh chóng, song chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai... Riêng vùng ngực là nơi nhạy cảm, khi tiêm filler số lượng lớn có thể gây tắc mạch, nhiễm trùng và ảnh hưởng tới tuyến sữa.
Ngoài ra, filler chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, nếu muốn duy trì kết quả cần phải tiêm lại nhiều lần, thông thường sau một đến hai năm, chi phí tốn kém. Tiêm thường xuyên có thể làm cho ngực bị nhão, chảy xệ và mất tính đàn hồi.
Nhiều trường hợp tiêm filler không rõ nguồn gốc, filler vẫn còn trong cơ thể nên ổ nhiễm trùng tiến triển âm thầm từng đợt, phải điều trị nhiều lần khiến khuôn ngực biến dạng, để lại sẹo xấu co rút, ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý và kinh tế của bệnh nhân.
Filler được sử dụng trong dịch vụ thẩm mỹ ngày càng nhiều, chiếm ưu thế so với các phương pháp làm đẹp khác nhờ kỹ thuật khá đơn giản, ít đau, hiệu quả tức thì và kéo dài, không phải trải qua phẫu thuật. Tuy nhiên, filler tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không phù hợp với nâng ngực và độn mông. Tiêm filler không rõ nguồn gốc để lại nhiều hậu quả nặng nề như tắc động mạch máu, xuất huyết, hoại tử gây biến dạng, thậm chí tổn thương vĩnh viễn một số chức năng và tử vong nếu người thực hiện kỹ thuật tiêm không tuân thủ chuyên môn, trang thiết bị y tế đảm bảo vô trùng.
"Hiện chưa có loại filler nào đảm bảo an toàn tuyệt đối để nâng ngực, do đó các chuyên gia không khuyến khích nâng ngực theo cách này", bác sĩ nói. Thay vào đó, bạn có thể chọn nâng ngực bằng túi độn hoặc bơm mỡ tự thân để hiệu quả lâu dài.
Thùy An