Năm 2022, bà Pyke bắt đầu bị ngứa dai dẳng vùng kín và đau khi đi tiểu. Trong 18 tháng tiếp theo, bà được bác sĩ chẩn đoán đây là triệu chứng mãn kinh và phải uống 6 đợt kháng sinh khác nhau.

Mãi đến tháng 12/2023, khi một chuyên gia tư vấn ung thư phát hiện một khối u ở âm đạo, bà mới được giới thiệu đến bác sĩ phụ khoa. Các xét nghiệm cho thấy bà Pyke có một khối u kích thước 8 cm. Đây là loại u hắc tố niêm mạc âm đạo, đã di căn đến các hạch bạch huyết.

Ung thư âm đạo rất hiếm gặp, chỉ chiếm 1% tổng số ca u hắc tố, hiện chưa có phương pháp chữa khỏi. Mặc dù đã phẫu thuật cắt bỏ khối u, kết quả sinh thiết vào tháng 6/2024 của bà xác nhận ung thư đã tái phát.

Pyke được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Trong khi đó, bạn bè bà gây quỹ để giúp trả tiền chữa bệnh, bởi đây là phương pháp thử nghiệm không có sẵn ở Anh.

Nhớ lại thử thách của mình, Pyke chia sẻ: "Tôi đã làm việc với nhiều bệnh nhân ung thư âm đạo, nhưng trong 13 năm, tôi chưa từng gặp ai bị u hắc tố niêm mạc. Tôi thậm chí chưa từng nghe đến từ này. Tôi đã rất sốc".

Trước đó, Pyke từng bị ung thư cổ tử cung và đã cắt bỏ tử cung vào năm 2020. Triệu chứng duy nhất báo hiệu bệnh ung thư âm đạo hai năm sau đó là ngứa ngáy.

bef9b6f7-397e-4ab7-99f2-20c788-2928-9436-1727938359.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fDmP1FfIw4S7B-1K2DGs5A

Bà Jo Shaw Pyke, 48 tuổi, ở South Shields, Anh. Ảnh: Kennedy News

Khoảng 1.400 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư âm đạo ở Anh mỗi năm. Người ở độ tuổi 90 có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Chỉ 50% bệnh nhân ung thư âm đạo được dự đoán sống sót sau 10 năm kể từ khi nhận chẩn đoán. Căn bệnh này cướp đi sinh mạng của gần 470 người Anh mỗi năm.

Trong các dạng bệnh ung thư âm đạo, u hắc tố như của bà Pyke hiếm gặp nhất. Nó phát triển từ các tế bào sản xuất sắc tố trong da. Theo Cancer Research UK, dưới 10% các trường hợp ung thư âm đạo là u hắc tố. Các triệu chứng thường bao gồm thay đổi màu sắc âm đạo, ngứa, chảy máu, nổi cục hoặc vết loét hở trên da.

Khoảng hai phần ba số ca ung thư âm đạo có thể phòng ngừa được. Ước tính, 69% ca ung thư xảy ra do nhiễm virus u nhú ở người (HPV). HPV là loại virus phổ biến lây lan qua hoạt động tình dục, thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Để phòng ngừa các loại ung thư ở phụ nữ, chuyên gia khuyến nghị tiêm vaccine HPV.

Dù đã được cắt bỏ khối u, kết quả sinh thiết cho thấy ung thư của bà Pyke tái phát vào tháng 6/2024. Phương pháp điều trị duy nhất hiện có là liệu pháp miễn dịch. U hắc tố niêm mạc không để lại triệu chứng cụ thể, nghiêm trọng. Nhiều bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí chạy marathon. Vì vậy, việc phát hiện ung thư đã tái phát cũng tương đối khó khăn.

"Tôi cảm thấy khó hiểu. Tôi mắc ung thư giai đoạn 4, nhưng vẫn khỏe mạnh về thể chất, không nằm liệt giường như một người bị ung thư. Cơ thể không báo hiệu cho tôi rằng tôi sắp chết", bà nói.

Thục Linh (Theo Daily Mail)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022