Ngày 23/1, BS.CK2 Nguyễn Tường Đức, Phó Khoa Nhi - Tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết mảnh kim loại có kích thước khá dày, nằm dọc ở miệng thực quản. Êkíp phải phẫu thuật nội soi thanh quản bằng ống cứng để lấy ra ngoài.

"Bệnh nhân khá bất ngờ khi thấy dị vật, không biết kim loại xuất phát từ đâu", bác sĩ Đức nói, thêm rằng khả năng đây là sợi dây kẽm để buộc bao gạo do xoắn kỹ nên đứt ra một đoạn nhỏ.

Người bệnh nuốt đau sau khi ăn cơm với cá khoảng 10 ngày trước. Bà từng đến một bệnh viện tư nội soi nhưng không thấy dị vật, uống thuốc nhưng tình trạng đau ngày càng nặng.

di-va-t-kim-loa-i-1737595062-1-6719-5235-1737595366.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GGqCkKwdypAEmH8t2oKfZA

Sợi kim loại được gắp ra ngoài. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Đức, một số dị vật kim loại thường gặp tại bệnh viện là móc răng giả, miếng cước cọ rửa xoong nồi. Thậm chí, một số người vô tình nuốt lưỡi câu khi ăn cá.

Hóc dị vật đường ăn có thể gây các triệu chứng như nuốt vướng, nuốt đau, nuốt nghẹn, ăn uống khó khăn hoặc sưng đau vùng cổ. Khi nghi ngờ hóc dị vật, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để xử trí sớm, kịp thời. Nếu để lâu, dị vật có thể gây viêm thực quản, nặng hơn có thể gây áp xe cổ và mủ từ vùng này có thể lan vào trung thất (nơi chứa tim là một trong các cơ quan sống còn của cơ thể), gây nguy hiểm đến tính mạng.

TS.BS.CK2 Nguyễn Thanh Vinh, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, khuyến cáo ăn chậm nhai kỹ, không nên cười đùa lúc ăn. Phụ huynh không ép cho trẻ ăn khi trẻ quấy khóc và không ngậm đồ chơi. Người lớn có bệnh lý nằm tại giường, hạn chế vận động thì cẩn thận khi cho ăn uống.

Ngoài ra, nên kiểm tra hàm răng giả, nếu bị hư móc cài hoặc có dấu hiệu nứt, gãy, phải khám chuyên khoa để xử lý. Đặc biệt lưu ý đối với dị vật là móc câu, loại bỏ móc câu nếu có khi sơ chế cá.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022