Anh Tuấn Anh (41 tuổi, ở Thường Tín Hà Nội) phát hiện mắc tiểu đường tuýp 2 trong một lần đi khám sức khoẻ định kỳ hồi tháng 5/2023. Ngay khi có kết quả, bác sĩ đề nghị anh nhập viện điều trị gấp do lượng đường huyết cao, có thể rơi vào hôn mê bất cứ lúc nào.
Sau hai tuần ở viện điều trị, đường huyết của anh Tuấn Anh ổn định nên được cho xuất viện về nhà duy trì tiêm insulin và uống thuốc để kiểm soát bệnh.
Tuy nhiên, khi về nhà, anh Tuấn Anh thấy sức khoẻ ổn định nên quyết định bỏ thuốc. Công việc thường xuyên nhậu nhẹt, ăn uống thất thường, chỉ vài tuần sau cơ thể anh sút cân, suy nhược, rơi vào hôn mê phải đi cấp cứu.
"Tôi hôn mê 15 ngày”, anh Tuấn Anh nói và cho biết sau 20 ngày nằm viện mới được cho về nhà tiếp tục theo dõi.
Các loại thảo dược nói chung và cây thìa canh nói riêng không phải lúc nào cũng là lành tính và an toàn cho cơ thể. (Ảnh: Bệnh viện Vinmec)
Về nhà, anh tiếp tục được người thân giới thiệu uống thuốc lá cây thìa canh để điều trị tiểu đường, anh bỏ thuốc theo đơn bệnh viện và chỉ uống nước sắc lá cây thìa canh.
Uống thuốc nam vài tháng, anh Tuấn Anh lại xuất hiện tình trạng mệt mỏi, khát nước, sút cân. Dịp Tết Dương lịch vừa rồi, anh được người nhà đưa đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương cấp cứu vì lượng đường huyết tăng quá cao.
1 loại quả có vị ngọt là “nữ hoàng vitamin C”, hạ đường huyết cực hiệu quả: Chợ Việt đang vào mùa
TS.BS Lâm Mỹ Hạnh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh nhân Tuấn Anh nhập viện trong tình trạng đường huyết tăng cao, tăng áp lực thẩm thấu máu.
"Bệnh nhân này từng dùng thuốc kiểm soát đường huyết ổn định nhưng sau đó tự ý bỏ điều trị để uống thuốc nam", bác sĩ Hạnh nói. Không chỉ tự ý bỏ thuốc, anh Tuấn Anh có lối sinh hoạt không lành mạnh, thích ăn nhiều cơm, thịt và uống nhiều rượu bia, ít vận động khiến tình trạng bệnh trở nặng nhanh hơn.
Từ quan niệm sai lầm uống thuốc tây điều trị tiểu đường dễ "làm hỏng" thận, gan, bệnh nhân tự ý chuyển sang uống thuốc nam, với mục đích "đỡ làm hại" đến gan, thận.
Theo bác sĩ Hạnh, tất cả loại thuốc khi đưa vào cơ thể đều được chuyển hoá và đào thải qua gan và thận. Do vậy, uống thuốc tây hay thuốc nam thì đều phải đào thải qua gan, thận. Nguy hiểm hơn, các loại thuốc nam hoạt tán không rõ nguồn gốc, không rõ tác dụng, dẫn đến nhiều bệnh nhân phải cấp cứu vì hạ đường huyết.
Nữ bác sĩ cảnh báo, nếu mức đường huyết trong máu cao, không điều trị kịp thời, đúng cách, lâu dài se ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng như tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh... "Bệnh nhân tiểu đường nếu không được phát hiện và điều trị theo dõi đúng cách có thể dẫn tới suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo", bác sĩ Hạnh cho hay.
Bác sĩ Mỹ Hạnh khuyên người bệnh mắc tiểu đường cần thường xuyên đi khám và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Bệnh nhân tuyệt đối không dùng bất cứ loại thuốc gì không rõ nguồn gốc hoặc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, để kiểm soát đường huyết, người bệnh cần quản lý chế độ ăn và tăng cường vận động thể dục thể thao.