Yêu cầu được Cục Quản lý Dược đưa ra hôm 23/5 sau khi cơ quan này nhận được phiếu phân tích của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm thực phẩm Hà Nội, báo cáo về mẫu sản phẩm không đạt chất lượng.

Theo thông tin trên nhãn, lô thuốc có tên NEXIUM 40mg Enterik Kapli Pellet Tablet (Esomeprazol), số lô 23H420, hạn dùng đến tháng 9/2027. Tuy nhiên, nhãn không ghi số đăng ký lưu hành, số giấy phép nhập khẩu, cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu và không có nhãn phụ tiếng Việt.

Mẫu thuốc được lấy tại Nhà thuốc Đức Anh thuộc Công ty TNHH Dược phẩm thiết bị y tế Đức Anh, số 8 đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Đây là dạng viên nén bao phim, vỉ 7 viên, mỗi hộp có 4 vỉ.

Kiểm nghiệm cho thấy thuốc không đạt về hàm lượng hoạt chất Esomeprazol. Cụ thể, chỉ chứa 6,91 mg Esomeprazol, bằng 17,27% so với hàm lượng ghi trên nhãn.

Cục Quản lý Dược đã đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra Nhà thuốc Đức Anh, truy tìm nguồn gốc lô thuốc và xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, địa phương cần thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân để không mua, bán hoặc sử dụng sản phẩm giả này.

Giới chức khuyến cáo người dân chỉ nên mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh hợp pháp, tuyệt đối không mua thuốc không rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ thuốc giả, thuốc không rõ xuất xứ, người dân cần báo ngay cho cơ quan y tế hoặc cơ quan chức năng.

Nexium 40mg chứa hoạt chất Esomeprazole, thường được dùng điều trị trào ngược dạ dày - thực quản, loét dạ dày tá tràng và hội chứng Zollinger-Ellison.

Anh-chup-Man-hinh-2025-05-23-l-9837-7611-1747994460.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qY8pmDgzirKZq5yh6yXgMQ

Đọc kỹ nhãn thuốc và thực phẩm chức năng khi dùng để tránh hàng giả. Ảnh: Health

Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả... gây nguy hại cho người tiêu dùng. Riêng về thuốc, giữa tháng 4, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc và bắt giữ 14 người.

Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, do vậy yêu cầu quản lý nghiêm ngặt. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn được quy định tại Luật Dược và các văn bản pháp luật liên quan. Hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Người sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể bị xử lý hình sự thấp nhất từ hai năm tù, cao nhất là tử hình.

Trong bối cảnh cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ việc hàng giả, kém chất lượng, ngày 23/5 Bộ Y tế đã thành lập15 tổ kiểm tra đột xuấtlĩnh vực dược, mỹ phẩm, y dược cổ truyền, sữa, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế... Hoạt động kiểm tra diễn ra trong tháng cao điểm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ nay đến 15/6.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định quan điểm xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực y tế là không vùng cấm, không ngoại lệ. Đồng thời, cá nhân, tổ chức, người quản lý nếu có dấu hiệu buông lỏng hoặc tiếp tay vi phạm sẽ bị truy trách nhiệm.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022