Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng khuyến cáo trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội. (Video: BSCC)
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, "bắt pen" không phải là môn thể thao liên quan tới bóng đá, mà là trào lưu đang lan truyền trên mạng xã hội TikTok. Khi "chơi" trò này, một người sẽ thực hiện việc ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người khác để tìm kiếm cảm giác lâng lâng hoặc "phê pha giả tạo".
Nguyên nhân sâu xa của trào lưu "bắt pen" là nhiều người, đặc biệt là giới trẻ muốn thử nghiệm những cảm giác mạnh mẽ và khác biệt. Tuy nhiên cảm giác thích thú chỉ diễn ra trong mấy giây nhưng vô cùng nguy hiểm không thể lường trước được.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, một số tác hại của trào lưu "bắt pen" có thể kể đến như thiếu máu não. Thực hiện ấn vào 2 động mạch cảnh vài giây sẽ không gây nguy hiểm, nhưng nếu lâu thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng.
Máu không được cung cấp đủ cho não, dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu hoặc thậm chí là tổn thương não. Các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi.
"Bắt pen" là trào lưu đang được lan truyền trên mạng xã hội TikTok. (Ảnh sưu tầm)
Trào lưu này còn có thể dẫn đến kích thích một số phản xạ trong cơ thể, dẫn đến ngưng tim đột ngột. Việc tạo áp lực mạnh lên cổ có thể gây chấn thương cho các cấu trúc xung quanh, gồm dây thần kinh và mạch máu và các tổ chức mô mềm xung quanh. Trong một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể dẫn đến tử vong.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo, khi tham gia hưởng ứng các trào lưu trên mạng xã hội thì người dùng cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ tác hại của nó và đặt sự an toàn của bản thân, gia đình và xã hội lên trên hết.
Trò "bắt pen" để tìm cảm giác "phê" nguy hiểm thế nào mà CDC Hà Nội phải lên tiếng cảnh báo
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, trò “bắt pen” ở giới trẻ nguy hiểm, thậm chí gây mất mạng. Việc ấn vào 2 động mạch làm lượng máu cung cấp cho não giảm đột ngột đến 70% khiến người bị ấn rơi vào tình trạng đột quỵ não, hoặc nhồi máu não.
Việc ấn vào động mạch giống như ấn vào xoang cảnh làm cho người bị ấn ngừng tim. Trường hợp ai nào đó có bệnh lý tim mạch, hoặc huyết áp có thể tử vong nhanh trong vài phút.
Cả hai yếu tố trên đều dẫn đến nguy hại cho sức khoẻ, thậm chí mất mạng. "Đây là việc làm nguy hiểm cần phải ngăn chặn trên các mạng xã hội", bác sĩ Hoàng nói.
Bác sĩ khuyến cáo các gia đình cần tỉnh táo, chọn lọc thông tin để giáo dục con trẻ. Mạng xã hội là môi trường giúp giới trẻ sáng tạo nội dung nhưng cũng là nơi phát tán không ít trào lưu gây hại. Do đó, gia đình và nhà trường cần giám sát, nhắc nhở và giáo dục học sinh tránh hành vi độc hại. Khi trẻ có biểu hiện bất thường cần kịp thời ngăn chặn để tránh hậu quả đáng tiếc.