Tay chân miệng tăng 40%
Ngày 24/5, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 6.711 ca mắc tay chân miệng. Đặc biệt, trong tuần 20 (từ 12 đến 18/5), số ca tay chân miệng tăng 40% so với mức trung bình 4 tuần trước, với 916 ca bệnh, trong đó số ca nhập viện tăng 26%.
HCDC nhận định tình hình tay chân miệng tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp. Đây là bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa, chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc với dịch tiết, đồ dùng nhiễm vi rút. Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc nhất.

Trẻ em là nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, cộng đồng cần tăng cường biện pháp bảo vệ
Hiện toàn thành phố có 8/22 quận, huyện ghi nhận ca bệnh tăng cao, gồm: quận 1, 5, 7, 12, Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh và TP Thủ Đức. Dù chưa ghi nhận ca tử vong, ngành y tế khuyến cáo phụ huynh cần cảnh giác cao độ, theo dõi sát triệu chứng của trẻ như sốt, loét miệng, nổi ban ở tay chân, biếng ăn... để đưa đi khám kịp thời.
Sốt xuất huyết và sởi cũng diễn biến phức tạp
Bên cạnh tay chân miệng, TP.HCM cũng đang đối mặt với hai bệnh truyền nhiễm khác là sốt xuất huyết và sởi. Trong tuần 20, thành phố ghi nhận 265 ca sốt xuất huyết, tuy giảm nhẹ so với trung bình 4 tuần trước nhưng tổng số ca tích lũy đã lên tới 7.690 ca. Các địa phương có tỷ lệ mắc cao tính theo dân số là huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và thành phố Thủ Đức.
Đáng lo ngại hơn là tình hình bệnh sởi. Dù tuần 20 ghi nhận 100 ca mới (giảm 24,5%), song tổng số ca sởi từ đầu năm đã vượt 5.300 ca, và nếu tính từ đầu mùa dịch đến nay là 9.383 ca. TP Thủ Đức, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh là những địa phương có số ca sởi tích lũy cao nhất.
COVID-19 âm thầm quay trở lại
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM từ trung tuần tháng 4 đến nay, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận 40 ca COVID-19 phải nhập viện điều trị. Đáng chú ý, trong tuần 19 (từ ngày 5 đến 11/5), thành phố ghi nhận 16 ca mới, cho thấy dấu hiệu COVID-19 âm thầm quay trở lại trong cộng đồng.

COVID-19 đang âm thầm quay lại, cộng đồng cần tăng cường cảnh giác, phòng tránh
Trước nguy cơ này, ngày 21/5 TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã ký công văn khẩn, yêu cầu các bệnh viện và trung tâm y tế chủ động rà soát kế hoạch thu dung, tăng cường giám sát các ca bệnh nặng, sẵn sàng xét nghiệm và xử trí kịp thời, tránh nguy cơ bệnh lây lan trong cộng đồng.
Sở Y tế nhấn mạnh cần đặc biệt bảo vệ nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai và thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm nghiêm ngặt tại cơ sở y tế.
Với diễn biến phức tạp của nhiều bệnh truyền nhiễm, HCDC khuyến cáo, thành phố đang bước vào thời điểm giao mùa, học sinh sắp nghỉ hè, lưu lượng di chuyển và tụ tập cộng đồng tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lan nhanh.
Ngành y tế TP.HCM kêu gọi người dân không chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các khuyến cáo phòng bệnh: rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi trẻ em, tiêm chủng đầy đủ theo lịch, đặc biệt với vắc xin sởi, đeo khẩu trang nơi công cộng, đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt, nổi ban, loét miệng, ho, khó thở.