Ngày 30/3, đại diện Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Kiên Giang cho biết như trên, trong bối cảnh Kiên Giang là tỉnh có số ca nhiễm HIV đứng thứ 4 ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 16 cả nước. Mỗi năm, Kiên Giang phát hiện thêm 350-400 ca nhiễm.
Nơi này có gần 7.000 người nhiễm và hơn 1.700 người đã tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Hiện, hơn 3.200 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus. Số người nhiễm HIV còn sống quản lý được 84,6%.
Trong số ca nhiễm HIV mới được phát hiện trong năm 2023, các trường hợp nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm khoảng 50%. Các ca nhiễm HIV trong nhóm MSM cũng trẻ hóa, có xu hướng tăng trong nhóm 16-25 tuổi.
Việc tiếp cận nhóm MSM rất khó do đây là quần thể ẩn. Vì vậy, các nhân viên tiếp cận cộng đồng là cánh tay nối dài của cán bộ y tế trong việc tiếp cận nhóm này để chia sẻ kiến thức về nguy cơ lây nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ dự phòng chống HIV/AIDS.
Năm 2023, tỉnh Kiên Giang thí điểm ký hợp đồng xã hội một tổ chức xã hội, nhằm phối hợp và tận dụng những lợi thế của đơn vị này trong cung cấp dịch vụ phòng chống HIV khi nguồn hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam bị cắt giảm.
Kết quả, tổ chức này đã tiếp cận, xét nghiệm được hơn 400 người, 25 khách hàng có phản ứng với HIV được chuyển đi xét nghiệm HIV khẳng định và chuyển 100% người nhiễm HIV vào điều trị. Ngoài ra, nhóm cũng cùng giới thiệu những khách hàng chưa nhiễm HIV nhưng có nhu cầu vào điều trị dự phòng PrEP và hỗ trợ tuân thủ điều trị PrEP cũng như ARV.
Một khách hàng được tư vấn dịch vụ dự phòng và điều trị HiV ở Kiên Giang. Ảnh: Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS
Đến nay, Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã hợp tác với 13 tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội, cung cấp dịch vụ phòng chống HIV cho khoảng 4.000 khách hàng, ở 9 tỉnh thành. Các tỉnh gồm: Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bình Dương, Hải Phòng và Điện Biên.
Bác sĩ Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, nhìn nhận khi nguồn tài trợ cho chương trình HIV giảm, hợp đồng xã hội là hình thức chính phủ ký hợp đồng trực tiếp với các tổ chức xã hội dân sự để cung cấp dịch vụ HIV. Đây là một chiến lược quan trọng nhằm đảm bảo tài chính bền vững cho chương trình HIV tại Việt Nam.
Theo Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), trong một đánh giá mới đây, hình thức ký kết hợp đồng xã hội đang được thực hiện ở 18 trong số 59 quốc gia được đánh giá. Ngoài ra, hợp đồng xã hội cũng đang bắt đầu được giới thiệu và bắt đầu triển khai ở 16 quốc gia khác. Ở châu Á, một số quốc gia như Bangladesh, Afghanistan, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Campuchia, đã sử dụng hình thức hợp đồng xã hội để huy động các tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV từ nguồn lực trong nước.
Lê Nga