Phát biểu tại lễ trao chứng nhận kỷ lục Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, ông Đức cho biết năm 2011, UBND thành phố chấp thuận cho bệnh viện triển khai dự án xây dựng mới khối Khoa Khám bệnh. Do vướng quy hoạch đất công viên cây xanh, thể dục thể thao của quận 5 và sau đó đường Cao Đạt dự phóng cắt ngang, sau hơn 10 năm bệnh viện vẫn chưa có được quy hoạch chi tiết để xây dựng.

"Thành phố khẩn trương thực hiện dự án xây dựng, cải tạo mới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để có môi trường mới khang trang, đầy đủ hoàn thiện hơn, phục vụ tốt hơn cho người bệnh", ông Đức nói.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tiền thân là Bệnh viện Chợ Quán, hoạt động từ năm 1861, là bệnh viện đầu tiên được thành lập tại vùng đất Sài Gòn Chợ Lớn, nằm cạnh một nhánh con sông Bến Nghé (nay gọi là Kênh Tàu Hủ). Ngày nay, bệnh viện là tuyến cuối điều trị các bệnh lây nhiễm, được xem là "tiền đồn" chống dịch chủ lực của TP HCM và khu vực phía Nam. Những năm qua, bệnh viện là đơn vị chủ lực cùng ngành y tế thành phố ngăn chặn đại dịch Covid-19 và dịch sốt xuất huyết bùng phát.

TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng bệnh viện đã đảm đương tốt nhiệm vụ tuyến cuối, trong top 10 bệnh viện hạng một chất lượng cao nhất của thành phố. Trong bối cảnh thế giới càng phát triển thì dịch bệnh cũng khốc liệt không kém. Bệnh nhiễm trùng luôn là thách thức bất tận, là cuộc chiến không hồi kết giữa loài người và thế giới vi sinh vật. Do đó, các "chiến sĩ" chuyên ngành truyền nhiễm cần sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, nâng cao năng lực để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Tuy vậy, "với cơ đồ hơn 160 năm, bệnh viện đã xuống cấp, nhiều khoa phòng cũ kỹ", bác sĩ Châu nói và cũng đề nghị lãnh đạo viện nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, trang bị và bổ sung cơ sở vật chất, tăng cường nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Hàng ngày, gần 3.000 bệnh nhân đến viện khám phải chen chúc trong các khoa phòng rất tạm bợ. Khoa Khám Bệnh của bệnh viện là một trong ba bệnh viện xuống cấp được Sở Y tế đề xuất UBND TP HCM xây mới (cùng với Bệnh viện Tâm thần, Chấn thương Chỉnh hình), hồi tháng 9. Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho rằng tình trạng quá tải, xuống cấp khiến người bệnh thiệt thòi, khó khăn, chưa tương xứng với tầm phát triển của một bệnh viện chuyên khoa nhiễm đầu ngành.

233A4178-6627-1669268987.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HlGQHnRN69szpZcYQTOtVw

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM ngày nay. Ảnh: Quỳnh Trần

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM gắn liền với những biến động lịch sử của đất nước qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. TS. BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết bệnh viện mở cửa nhận bệnh nhân ngày 13/2/1861, nhằm chuẩn bị cho việc tiếp nhận thương binh trong chiến dịch đánh đại đồn Kỳ Hòa tiến tới xâm chiếm toàn bộ Nam Kỳ của quân đội Pháp, sau khi Pháp đánh chiếm được thành Gia Định năm 1859. Cơ sở ban đầu của bệnh viện là các ngôi nhà của những người giàu Việt Nam rời đi do chiến sự, được cải tạo và xây dựng thêm các khu bệnh phòng.

Đây là bệnh viện duy nhất Việt Nam có khu trại giam, là nơi giam giữ, điều trị những người tù bị bệnh, gồm cả thường phạm lẫn tù chính trị. Năm 1931, Tổng bí thư Trần Phú hy sinh tại đây. Nhiều người tù cách mạng khác trong hai cuộc kháng chiến, cũng từng bị giam giữ ở nơi này. Khu trại giam trong lòng bệnh viện được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988.

ky-lu-c-be-nh-vie-n-la-u-do-i-3975-4903-1669268986.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CPieY1HHIkomprzNdtETnw

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM được Tổ chức kỷ lục Việt Nam VietKings trao chứng nhận "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam", sáng 24/11. Ảnh: Hiểu Khuê

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022