43b7aa23-04b1-4ee8-8739-fb0bae8b4421-1706716199037-170671620128382974739.jpeg

Ảnh minh hoạ

Trường hợp thứ nhất là một nam bệnh nhân 32 tuổi nhập viện do đột ngột bị khó thở và cảm giác tức ngực. Bệnh nhân cấp cứu đến Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu và được chẩn đoán, theo dõi choáng tim, viêm cơ tim cấp, tổn thương thận cấp…

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM trong tình trạng nhịp tim nhanh, suy hô hấp nặng hơn. Tại đây, bệnh nhân được đặt nội khí quản và thở máy.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh mãn tính. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh nhân mua và sử dụng thuốc lá điện tử nhiều hơn trước.

Trước khi nhập viện, bệnh nhân có đi chơi đêm trong một quán bar. Tại đây, bệnh nhân hút thuốc lá điện tử suốt cả đêm. Đến gần sáng, bệnh nhân bị nôn mửa, mệt mỏi và phải nhập viện.

Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 17 tuổi nhập viện do khó thở đột ngột, đau nặng ngực, choáng váng. Bệnh nhân được cấp cứu vào Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Trước đó, bệnh nhân này hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh nhân ngừng hút thuốc lá điện tử được một năm. Gần đây, bệnh nhân hút thuốc lá điện tử trở lại khoảng 2-3 tháng với liều lượng tăng gấp đôi so với bình thường, thậm chí hút kết hợp cùng với thuốc lá điếu thông thường. Trước khi nhập viện, bệnh nhân có chơi game và hút thuốc lá điện tử liên tục trong phòng điều hòa.

Từ hai ca bệnh nêu trên, bác sĩ Doãn Uyên Vy, chuyên gia về độc chất của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, ban đầu khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ chỉ nghĩ đến bệnh lý nội khoa. Sau khi khai thác tiểu sử mới biết bệnh nhân hút thuốc lá điện tử.

Các bác sĩ cũng đặt ra câu hỏi, tại sao trước đó bệnh nhân cũng hút thuốc lá điện tử mà không gây ra tình trạng trên. Sau khi tìm hiểu các bác sĩ nhận ra việc hút thuốc lá điện tử trong phòng kín, hay phòng điều hòa là yếu tố làm cho bụi mụn trong khói thuốc dễ đi vào sâu phế nang, phổi hơn khiến bệnh nhân bị EVALI (tổn thương phổi cấp liên quan đến thuốc lá điện tử).

Nói thêm về điều này, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, EVALI là bệnh nguy hiểm, tất cả bệnh nhân đều phải nhập viện với tỷ lệ 76% phải hỗ trợ thở oxy, 22% thở máy không xâm nhập, 26% đặt ống nội khí quản, một số ca phải can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể). Khi hồi phục, 25-85% bị di chứng xơ phổi với các mức độ khác nhau, rối loạn khuyếch tán kéo dài ít nhất 2 tháng.

Triệu chứng của EVALI xuất hiện hàng giờ, hàng tuần trước khi nhập viện, gồm khó thở, ho, đau ngực, tiêu chảy, đau bụng, sốt, mệt. Sau đó, các chỉ số như máu lắng, bạch cầu đều tăng, ảnh chụp X-quang cho thấy phổi tổn thương.

“Hút thuốc lá điện tử phát sinh các bệnh hay ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết, không thể đoán trước, thay đổi liên tục, không thể giải quyết hậu quả và tăng gánh nặng xã hội”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

Về nguy hại của thuốc lá điện tử, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường.

WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Bằng chứng cho thấy, người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường.

Thuốc lá điện tử không những không giúp cai thuốc lá, mà còn khiến người chưa hút thuốc trở thành nghiện nicotine. Những người trẻ chưa từng hút thuốc lá điếu thông thường, nhưng sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ nghiện thuốc lá điếu thông thường cao gấp 2-3 lần so với những người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.

Cũng theo WHO, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện.

Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa...

Trong báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu, tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe, việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng.

Thuốc lá thế hệ mới đang chưa được nhận diện đúng đắn, dẫn đến những hiểu nhầm và việc sử dụng gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng.

Tại hội thảo mới đây do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá tổ chức, ThS. Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, đã chỉ ra 3 ngộ nhận sai về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Cụ thể, nó an toàn hơn thuốc lá điếu truyền thống, giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống, là sản phẩm dành cho người trưởng thành đang hút thuốc nhằm mục tiêu bỏ thuốc và không nhắm tới giới trẻ.

Trên thị trường còn rất nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử được thiết kế nhỏ gọn, bắt mắt, đóng gói như sữa, kẹo, đồ chơi, USB, thỏi son, nhiều hương vị (1.800 hương vị) có thể gây nghiện và giá rẻ.

Đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng; 5/10 quốc gia trong khu vực ASEAN đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), cũng khẳng định, thuốc lá điện tử là sản phẩm có hại cho sức khỏe và đang có thực trạng trà trộn ma túy.

Vì vậy cần cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử, không cho sản phẩm này được phép lưu hành. Việt Nam cần cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha).

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022