Thông tin được Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết tại Hội thảo xây dựng thông tư liên quan đến thanh toán chi phí thuốc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT),ngày 25/10 tại Hà Nội.
Trong cơ cấu chi của quỹ BHYT, tỷ lệ chi cho tiền thuốc vẫn chiếm cao nhất, hơn 33%. Hiện, danh mục thuốc BHYT bao gồm 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm, được chia thành 27 nhóm lớn, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu. Đặc biệt, trong số này, 76 hoạt chất/thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch.
Thuốc được sử dụng tại bệnh viện hạng II trở lên, bệnh viện hạng III sử dụng khoảng 795 thuốc, chiếm khoảng 77%. Trạm y tế xã được sử dụng khoảng 262 thuốc chiếm 25% và một số thuốc điều trị các bệnh mạn tính cấp tại trạm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
"Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng, trong khi danh mục thuốc BHYT tại Thái Lan, Singapore, Philippines chỉ có 600-700 hoạt chất", Thứ trưởng Thuấn nói.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần phải sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, theo ông Thuấn. Đơn cử, vướng mắc liên quan phân hạng sử dụng thuốc theo bệnh viện, thanh toán BHYT đối với chi phí hao hụt thuốc, với trường hợp chống chỉ định thuốc, thuốc khám chữa bệnh từ xa... Điều này còn gây khó khăn cho cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
Ngoài ra, ít nhất hơn 70 thuốc mới điều trị ung thư, tim mạch... và các thuốc khác đang chờ được cập nhật vào danh mục thanh toán BHYT. Lần gần nhất danh mục thuốc này được cập nhật là từ năm 2018. Vì vậy, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng các thông tư nhằm giải quyết các vướng mắc này.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: N.Nhiên
Theo bà Trang, Bộ Y tế sẽ cập nhật những thuốc mới, đưa ra khỏi danh mục những thuốc có cảnh báo kém hiệu quả, không phù hợp. "Như vậy, người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi về sử dụng thuốc hiệu quả và hợp lý hơn", bà Trang nói.
Thông tư cũng sẽ có nguyên tắc, tiêu chí để điều chỉnh thuốc đưa vào danh mục sao cho đảm bảo tính kịp thời, cập nhật nhanh nhất. Đặc biệt, cơ sở y tế tuyến dưới được tiếp cận với các thuốc điều trị tốt, hiệu quả, phù hợp với năng lực chuyên môn của cơ sở đã được cấp phép hoạt động.
"Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đảm bảo thủ tục cập nhật danh mục thuốc được thường xuyên, ít nhất 1 năm 1 lần. Mở rộng danh mục thuốc cho tuyến dưới, trạm y tế xã để người dân có thể ở lại điều trị ngay ở y tế địa phương mà không phải lên tuyến trên", bà Trang nói.
Theo quy định, một loại thuốc để được sử dụng điều trị bệnh nhân cần được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành. Trình tự này mất rất nhiều thời gian và thủ tục, dẫn đến tồn đọng hồ sơ xin cấp phép, nhiều giấy phép hết hạn nhưng không kịp gia hạn, góp phần gây thiếu thuốc trên thị trường. Bộ Y tế phải gia hạn tạm thời cho giấy phép hoặc cấp phép nhanh, cấp bổ sung...
Thực tế, một số lượng đáng kể thuốc mới hiện vẫn chưa có mặt tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Báo cáo từ PhRMA năm 2022, trong số 460 thuốc mới được đưa ra thị trường lần đầu trên toàn cầu trong giai đoạn 2012-2021 chỉ có 9% (tương đương 42 thuốc) có mặt tại Việt Nam. Trong khi đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương bình quân 20%, Nhật Bản 51%, Hàn Quốc 33%, một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Maylaysia 22-27%.
Trong số 42 thuốc mới có mặt ở Việt Nam, người bệnh chỉ được tiếp cận 27% loại thông qua Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT tại cơ sở y tế công lập.
Lê Nga