Rong kinh nặng, có ngày phải thay 7-10 chiếc bỉm do thói quen uống thuốc bổ bừa bãi

TS.BS Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) chia sẻ, gần đây, anh mới tiếp nhận một bệnh nhân bị u xơ tử cung, thường xuyên bị rong kinh nặng. Ca bệnh ban đầu tiên lượng không khó cứu chữa. Tuy nhiên đã khiến BS Thành phải bất ngờ vì không như dự đoán ban đầu của mình.

rong-kinh-dong-bim-7-10-chiec-moi-ngay1-17297717686701473350192.jpg

Người phụ nữ bị rong kinh nặng, có ngày phải thay 7-10 chiếc bỉm do thói quen uống thuốc bổ bừa bãi.

"Tôi đã điều trị cho chị khá loay hoay, sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau để điều chỉnh tình trạng rong kinh ra huyết do u xơ tử cung. Có những thời điểm, chị phải thay từ 7-10 chiếc bỉm trong một ngày. Vào lần khám gần nhất, chị gần như mất một nửa lượng máu trong cơ thể, với quét huyết sắc tố chỉ còn 50-60. Chúng tôi phải cho chị nhập viện cấp cứu, truyền máu", BS Phan Chí Thành chia sẻ.

  • nam-da-17296757933822119062384-0-0-557-891-crop-1729675797804794495915.jpg

    Phụ nữ sau tuổi 50 duy trì 4 thói quen lành mạnh, nám da hay đồi mồi đều sẽ giảm trông thấy

Khai thác kỹ bệnh sử, thói quen ăn uống sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ mới nhận thấy, bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Chị có con đang du học ở Pháp. Con chị thường xuyên mua quà gửi về cho mẹ là các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung từ nước ngoài để bồi bổ sức khỏe. Chị uống rất nhiều loại thuốc, bao gồm cả thực phẩm chức năng là tiền chất nội tiết để hỗ trợ trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Chuyên gia tiếp tục chia sẻ: "Khi khai thác thông tin, tôi nhận thấy chị đã uống nhiều loại thuốc bổ và tiền chất nội tiết mà ngay cả chúng tôi cũng khó xác định được hết thành phần bên trong. Điều này cho thấy cần phân biệt rõ ràng giữa thuốc có thành phần nội tiết và tiền chất, cũng như hàm lượng cụ thể. 

Trong thực phẩm chức năng, không ai dám chắc về hàm lượng và thành phần, dẫn đến khó khăn trong việc tiên lượng và điều chỉnh kết quả điều trị".

rong-kinh-dong-bim-7-10-chiec-moi-ngay2-17297717686771740537835.jpg

Nhiều trường hợp chị em nghĩ rằng việc sử dụng thực phẩm chức năng hay thuốc bổ là an toàn.

Lạm dụng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung khiến nhiều người gặp họa

BS Phan Chí Thành cho biết, trên đây chỉ là một trường hợp điển hình. Thời gian gần đây, anh cũng gặp nhiều trường hợp chị em nghĩ rằng việc sử dụng thực phẩm chức năng hay thuốc bổ là an toàn. Họ không nhận ra rằng cần phải cẩn trọng khi sử dụng thuốc, trong khi thực phẩm chức năng lại được cho là an toàn. Thực tế, có nhiều trường hợp uống không an toàn, gây ra tình trạng rong kinh rong huyết.

Việc quản lý thuốc tại Hoa Kỳ và toàn thế giới rất nghiêm ngặt. Bác sĩ phải kê đơn và thuốc phải trải qua thử nghiệm lâm sàng nhiều pha để đảm bảo an toàn. Để ra đời một loại thuốc, có thể tốn hàng tỷ đô. Quy trình quản lý thực phẩm chức năng tại FDA đơn giản hơn nhiều so với thuốc. Hàm lượng và nồng độ chất trong thực phẩm chức năng thường do nhà sản xuất tự công bố.

rong-kinh-dong-bim-7-10-chiec-moi-ngay3-17297717687021867010508.jpg

Lạm dụng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung khiến nhiều người gặp họa.

Chúng ta không thể đảm bảo rằng nồng độ viên thuốc thực tế đúng như công bố. Đây là những vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

"Đặc biệt, ở Việt Nam đã có nhiều vụ việc phát hiện nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng. Dù ghi là thành phần từ Mỹ, nhưng thực tế lại khác. Đây là bối cảnh mà tôi gặp phải khá nhiều trong việc bổ sung vi chất, thực phẩm chức năng của bệnh nhân", BS Phan Chí Thành cho hay.

Vì những lý do này, chuyên gia cảnh báo, chị em không nên tùy tiện mua thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung ngoài thị trường, dù được quảng cáo đến từ những thương hiệu đắt đỏ, hàng ngoại quý hiếm... cỡ nào. Tốt nhất, chị em nên đi thăm khám sức khỏe để biết cơ thể cần bổ sung chất gì, sử dụng thế nào, thời gian sử dụng kéo dài bao lâu... được chỉ định bởi bác sĩ. Tránh tự ý mua dùng theo quảng cáo, có thể gặp họa đáng tiếc.

(Ảnh minh họa: Internet)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022