Phát biểu tại cuộc họp báo toàn cầu tối 8-2, tiến sĩ Tedros nhấn mạnh: "H5N1 đã lây lan rộng rãi ở các loài chim hoang dã và gia cầm trong 25 năm, nhưng sự lây lan gần đây sang động vật có vú cần được theo dõi chặt chẽ".

Các báo cáo gần đây cho biết virus H5N1 đã lan sang chồn, rái cá, cáo, sư tử biển. Hiện tượng này chỉ mới được ghi nhận trong vài tuần gần đây.

Về rủi ro với con người, hiện tại WHO đánh giá ở mức "thấp".

dgquoteexr-16759162071861436347659-1675917510147-1675917510442889611512.jpg

"Kể từ khi H5N1 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, chúng ta chỉ thấy sự lây truyền H5N1 hiếm và không bền vững giữa người với người. Nhưng chúng ta không thể cho rằng điều đó sẽ mãi như vậy. Chúng ta phải chuẩn bị cho bất kỳ sự thay đổi nào" - người đứng đầu WHO nói thêm.

Ông cũng cho biết WHO đang làm việc với chính quyền các quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như các đối tác để theo dõi chặt chẽ tình hình và nghiên cứu các trường hợp nhiễm virus H5N1 ở người nếu có.

Mạng lưới phòng thí nghiệm toàn cầu của WHO, Hệ thống Giám sát và ứng phó cúm toàn cầu, có trách nhiệm xác định và giám sát các chủng virus cúm đang lưu hành và đưa ra khuyến cáo cho các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên về nguy cơ đối với sức khỏe con người, cung cấp thông tin về các biện pháp kiểm soát hoặc điều trị sẵn có.

Tổ chức này cũng đang tiếp tục hợp tác với các nhà sản xuất để chuẩn bị nguồn cung vắc-xin và thuốc kháng virus toàn cầu khi cần thiết.

WHO cũng khuyến nghị các nước thành viên tăng cường giám sát những nơi con người và động vật nuôi hoặc động vật hoang dã thường tương tác với nhau.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022