Nội dung chính:

90% thanh long nhập khẩu Trung Quốc là thanh long Việt Nam.

Tác dụng của thanh long.

Lưu ý khi dùng thanh long.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, thanh long là mặt hàng xếp thứ 2 về giá trị xuất khẩu với 292 triệu USD, chỉ đứng sau sầu riêng.

Trả lời trên Báo Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thanh long được mệnh danh là "siêu trái cây" bởi những lợi ích mà nó mang lại cho sức khỏe con người. Thanh long được yêu thích tại thị trường tỉ dân Trung Quốc, 90% thanh long nhập khẩu Trung Quốc là thanh long Việt Nam.

Theo ông Nguyên, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thanh long Việt Nam lớn nhất với giá trị 203 triệu USD, chiếm 68% thị phần.

Thanh long Việt Nam được trồng ở vùng nhiệt đới, nắng nhiều, thổ nhưỡng thích hợp nên rất ngọt và mát, thanh long các nước không bằng”, ông Nguyên thông tin.

Tác dụng của thanh long với sức khỏe

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, thanh long là loại trái cây không hề xa lạ với người Việt. Không chỉ là loại trái cây ăn tráng miệng, thanh long có rất nhiều lợi ích mà ít người biết.

Theo bác sĩ Vũ, thanh long có lượng calo thấp, giàu chất xơ và chất chống oxy hóa. Loại quả này thường được dùng để chế biến những loại thức uống thanh mát, nước ép, sinh tố…

Ngoài ra, thanh long có chứa một số loại chất chống oxy hóa như: polyphenol, carotenoid, vitamin C,... Đây là những hợp chất bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do gây các bệnh mạn tính và lão hoá.

anh-chup-man-hinh-2024-10-22-luc-104002-1729605677726-17296056784831091595711.png

Ảnh minh họa.

Bác sĩ Vũ nói thêm, một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa các bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư, đái tháo đường, viêm khớp và làm đẹp da, tăng cường hệ thống miễn dịch.

Carotenoid như beta-carotene và lycopene trong thanh long có khả năng phòng chống ung thư. Chế độ ăn giàu carotenoid có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tim và ung thư thấp hơn, bác sĩ Vũ thông tin.

Thêm vào đó, thanh long là loại quả giàu chất xơ nên có thể cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ và sức khoẻ tim mạch. Nguồn chất xơ trong thanh long giúp hỗ trợ cải thiện hệ tiêu hoá, ngăn ngừa táo bón, hội chứng ruột kích thích. Thanh long có thể giúp cân bằng vi khuẩn lành mạnh trong ruột, cải thiện sức khỏe trao đổi chất.

Một số bài thuốc có thanh long

Bác sĩ Vũ cho hay, quả thanh long có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm. Hoa thanh long có tác dụng bổ phế, trừ ho. 

Dưới đây là một số bài thuốc có sử dụng quả và hoa thanh long. 

- Trị táo bón: Quả thanh long 200g, đu đủ chín 50g, chuối 50g, cắt thành miếng, cho vào ly để trong tủ lạnh, ngày ăn 1 - 2 lần.

- Trị gan nhiễm mỡ, thừa cân, béo phì: Quả thanh long 200g, dứa chín 100g, xay làm sinh tố hoặc ép lấy nước uống nhiều ngày. 

- Trị thống phong, gout: Quả thanh long 100g, dưa leo 100g, cắt nhỏ ăn hoặc ép lấy nước uống nhiều ngày.

- Trị tăng huyết áp: Quả thanh long 200g, dưa hấu chín 100g, dâu tây 50g cắt lát, làm sinh tố hoặc ép nước uống ngày 1 - 2 lần.

- Trị ho khan: Hoa thanh long tươi 4 - 5 bông, nấu canh với thịt lợn hoặc sắc uống.

Lưu ý khi dùng thanh long

Bác sĩ Vũ cho biết, thanh long là loại quả lành tính tuy nhiên khi dùng cũng cần có liều lượng nhất định. Đối với bệnh nhân đái tháo đường không nên ăn quá 120g/ngày.

Thanh long có tính mát. Do đó, người đang bị lạnh bụng, đại tiện phân lỏng, đầy bụng không nên ăn thanh long để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Thanh long là loại quả có thể gây ra dị ứng. Do đó, người có cơ địa dị ứng cần cẩn trọng khi ăn loại trái cây này.

Bác sĩ Vũ lưu ý thêm, khi ăn thanh long, mọi người nên ăn với liều lượng phù hợp, kết hợp với chế độ ăn lành mạnh để đảm bảo sức khoẻ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022