Sinh năm 1960, bác sĩ Hồng tốt nghiệp Khoa Phụ sản, Đại học Y Thủ đô Bắc Kinh năm 1983. Gần 40 năm công tác, bà cống hiến cho việc chẩn đoán, điều trị và cấp cứu các ca bệnh truyền nhiễm khi mang thai, ngăn ngừa lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con.
Từ năm 1997, bác sĩ Hồng phát hiện mắc bệnh đa nang gan, đa nang thận bẩm sinh, giống như cha và chị gái. Một năm trước khi qua đời, bệnh tình trở nặng, bà đã chiến đấu kiên cường với bệnh tật. Vài ngày trước khi mất, bà Hồng bày tỏ nguyện vọng hiến xác.
"Là một bác sĩ, tôi muốn dùng sức lực cuối cùng để thúc đẩy giáo dục và nghiên cứu y học. Tôi hy vọng có thể sớm tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho căn bệnh của tôi và nhiều loại bệnh khác, để thế hệ sau không phải chịu đau khổ như tôi", bà chia sẻ.
Tống Dương, con trai bác sĩ Hồng, cho biết mẹ của anh đã nói về ý định hiến xác từ một năm trước. Tuy nhiên, câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, gia đình khi ấy cũng không bàn sâu thêm. Ba ngày trước khi mất, bác sĩ Dương Hồng nhắc lại về dự định này, gia đình mới hiểu được quyết tâm của bà.
"Việc cuối cùng mẹ tôi làm trước khi mất coi như đã hoàn thành. Một ngày sau khi tôi liên hệ với nhà trường và bệnh viện về việc hiến xác, bà đã ra đi thanh thản. Tôi nghĩ mẹ không còn gì hối tiếc. Là con trai, tôi ủng hộ nguyện vọng cuối cùng của bà", anh Tống Dương nói thêm.
Bác sĩ Dương Hồng, nguyên Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Ưu An Bắc Kinh. Ảnh: Paper
Ngày 20/10, các cơ quan liên quan đã hoàn tất thủ tục hiến xác với gia đình bác sĩ Hồng. Cả đời làm nghề y, bà tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu y học theo cách đặc biệt này, trở thành "người thầy thầm lặng" cho các sinh viên y khoa.
Trong mắt đồng nghiệp, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, bác sĩ Hồng là một một người lãnh đạo tốt. Bà Thân Tú Mai, nguyên trưởng khoa điều dưỡng Phụ sản, Bệnh viện Ưu An, nhớ lại: "Công việc ở khoa Phụ sản rất vất vả, ngày lễ thường xuyên phải làm thêm giờ. Chúng tôi thường thấy bác sĩ Hồng làm việc không ngừng nghỉ. Dù sức khỏe yếu nhưng bà luôn có mặt ngay khi sản phụ cần".
Một bệnh nhân nhận xét, bác sĩ Hồng rất tận tâm, giọng nói dịu dàng, có thể giúp người bệnh vơi bớt lo lắng. "Bà là một bác sĩ giỏi. Hiện tại tôi và con đều khỏe mạnh, cảm ơn sự quan tâm của bác sĩ Hồng", người này nói.
Bác sĩ Tôn Lệ Quân, Trưởng khoa Khám bệnh, Trung tâm Truyền nhiễm Bệnh viện Ưu An, người từng làm việc nhiều năm với bác sĩ Dương Hồng, xúc động bày tỏ lòng kính trọng. "Dù sức người nhỏ bé, nhiều bệnh chúng ta chưa thể chữa khỏi, nhưng sự lựa chọn của bác sĩ Hồng thực sự lay động đến tôi", bà nói.
Một số nước như Trung Quốc, Singapore, nguồn xác hiến cho y học khan hiếm. Theo Xinhua, từ năm 1999 đến 2018, thành phố Bắc Kinh nhận được hơn 21.000 đơn đăng ký hiến xác sau khi chết, tuy nhiên chỉ 2.600 thi thể được sử dụng trong thực tế. Còn tại Singapore, theo số liệu từ Đơn vị Cấy ghép Nội tạng Quốc gia (NOTU), từ năm 1972 đến 2012, chỉ 400 người đăng ký hiến xác cho y học.
Thục Linh (Theo Paper, Weixin)