Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu trong tình trạng tụt huyết áp, tiên lượng nặng. Các bác sĩ đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng thuốc vận mạch và điều trị theo phác đồ điều trị ngộ độc. Tuy nhiên, sức khỏe bệnh nhân diễn tiến rất nặng, tổn thương phổi, SpO2 chỉ đạt tối đa 60%.
Bác sĩ quyết định đặt ECMO (hỗ trợ hô hấp - tuần hoàn ngoài cơ thể) để điều trị hỗ trợ tim phổi cho người bệnh. Đây được coi là phương án cuối cùng với hy vọng có thể cứu sống bệnh nhân.
Bác sĩ Bùi Xuân Khánh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết sau khi đặt ECMO, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực hơn. Người bệnh tiếp tục duy trì an thần, thở máy, lọc máu, kháng sinh, điều chỉnh tình trạng rối loạn toan kiềm, cân bằng nước điện giải...
Ba ngày sau, người bệnh dừng thuốc vận mạch, tình trạng oxy hóa, suy đa tạng dần cải thiện. Sau một tuần, bệnh nhân cai ECMO, duy trì thở máy, kháng sinh kết hợp dinh dưỡng để nhanh hồi phục.
Ngày 4/8, bác sĩ Khánh cho biết đây là lần đầu bệnh viện triển khai kỹ thuật ECMO mà không có sự hỗ trợ của các chuyên gia tuyến trung ương.
Bệnh nhân đang được theo dõi, chăm sóc tích cực tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Amlodipin là thuốc điều trị bệnh lý cao huyết áp. Liều chỉ định từ một đến hai viên một ngày. Tuy nhiên, với trường hợp trên, người nhà không tiết lộ vì sao bệnh nhân uống 43 viên một lúc.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý uống thuốc, tự ý tăng liều dẫn đến hạ huyết áp, ngất hoặc hạ huyết áp không phục hồi. Trường hợp sử dụng quá liều, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đánh trống ngực, chuột rút, tê phù chân tay...
Những người có bệnh lý tăng huyết áp, nên kiểm tra huyết áp thường xuyên, đến cơ sở y tế khám định kỳ để được bác sĩ lựa chọn thuốc và kê đơn sử dụng, điều chỉnh liều lượng phù hợp.
Minh An