Chiều 25/9, ông Nguyễn Xuân Kháng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh cho biết thông tin trên, thêm rằng khi kiểm tra các mẫu thức ăn buổi sáng, trưa, chiều trong ngày 23/9 tại Nhóm trẻ, đoàn liên ngành nghi ngờ sữa chua - món gần nhất mà học sinh ăn - có thể chứa độc tố.

"Quá trình làm sữa chua, có thể cơ sở này để xảy ra một số sơ suất nào đó khiến vi khuẩn xâm nhập", ông Kháng nói. Tuy nhiên, các học sinh chỉ bị triệu chứng nhẹ, hiện đã xuất viện. Cơ quan chức năng đánh giá sự việc không nghiêm trọng, chỉ niêm phong lại mẫu sữa chua, chưa gửi đi xét nghiệm để tìm nguyên nhân.

nghi-ngo-doc-thuc-pham-o-ha-ti-1220-3541-1695636332.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ikBC-DsZmtKiiYouxBM7iQ

Bác sĩ khám cho một bệnh nhi hôm 24/9. Ảnh: Hùng Lê

Bà Nguyễn Thị Hoàn, Quản lý Nhóm trẻ Mầm non Ban Mai, cũng cho biết trong tuần có một buổi trẻ được ăn sữa chua, mỗi lần nhà bếp làm khoảng 70-80 hộp. Đơn vị tự làm sữa chua 7 năm nay, quy trình luôn theo công thức.

"Không hiểu sao hôm đó lại xảy ra tình trạng một số học sinh ăn xong gặp vấn đề về sức khỏe. Có thể do thời tiết làm cho quy trình lên men không được chuẩn", bà Hoàn nói.

Tối 23/9, khoảng 10 trẻ mầm non 20-41 tháng tuổi, được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh trong tình trạng đau bụng, nôn ói. Bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhi bị ngộ độc thực phẩm, cho truyền dịch, bù điện giải. Ngoài ra, 7 trường hợp khác có dấu hiệu tương tự, song mức độ nhẹ nên theo dõi tại nhà.

Theo cơ quan y tế, trong ngày 23/9 các học sinh được ăn cháo, canh, thịt bằm... sau đó dùng sữa chua tự làm vào buổi chiều.

Ban Mai là nhóm trẻ mầm non tư thục đóng tại TP Hà Tĩnh, cơ sở có 75 học sinh ăn bán trú.

Đức Hùng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022