Từ ngày 16 đến 23/12, thành phố ghi nhận 427 ca sốt xuất huyết, trong khi tháng 11 và đầu tháng 12, trung bình mỗi tuần thêm 1.300 đến 1.400 ca. 29 ổ dịch đang hoạt động tại 11 quận, huyện.

CDC Hà Nội đánh giá số ca sốt xuất huyết hiện giảm mạnh vì thời tiết lạnh hơn với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Hà Nội đang trải qua những ngày rét đậm, rét hại.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 19.215 ca sốt xuất huyết, trong đó có 25 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc sốt xuất huyết năm nay tăng gấp 5,7 lần. Type virus Dengue lưu hành là DENV1, DENV2, DENV4.

1-3420-1672220452.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fM8BQ_u6L2OUJoc6tRKJUw

Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm ghép tại Bệnh viện Bạch Mai hồi đầu tháng 11. Ảnh:Ngọc Thành

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus, xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển và truyền bệnh. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, dịch sốt xuất huyết có chu kỳ 5 năm/lần, do đó số ca mắc tăng cao tại Hà Nội thời gian qua không phải là điều bất thường. Khi thời tiết chuyển lạnh hơn như hiện nay, số ca mắc mới giảm mạnh.

Tuy vậy, lãnh đạo CDC Hà Nội vẫn kêu gọi người dân cần tiếp tục phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo sốt xuất huyết có biểu hiện giống như sốt do virus khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Có trường hợp tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Về mặt bệnh lý, sốt xuất huyết diễn biến khoảng hơn một tuần. Ban đầu, bệnh nhân sốt cao liên tục trong vòng 6 ngày, kèm đau mỏi người và cơ. Từ ngày 3 đến 7, tiểu cầu giảm dần, máu cô đặc, người bệnh bị chảy máu niêm mạc, nội tạng, rối loạn đông máu, có thể sốc sốt xuất huyết.

Hiện chưa có thuốc điều trị sốt xuất huyết, chủ yếu là trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân nhập viện khi có một trong số các dấu hiệu: Xuất huyết niêm mạc, ví dụ răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít; tràn dịch màng phổi, bụng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 354.000 trường hợp mắc, 133 ca tử vong do sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2021, số ca tăng 5 lần, tử vong tăng 107 trường hợp.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022