Ngày 8/1, bác sĩ Phan Văn Thành, Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết bệnh nhân bị phản vệ độ 3, được hỗ trợ hô hấp, truyền dịch, điều trị các thuốc như corticoid, kháng histamin...

Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hải sản. Khi về quê, bị chó cắn vào bắp chân trái nên đi tiêm vaccine ngừa bệnh dại, huyết thanh kháng dại và vaccine uốn ván. Vài giờ sau đó, chị xuất hiện triệu chứng ngứa, mẩn đỏ, nhập cơ sở y tế địa phương xử trí phản vệ, sức khỏe ổn hơn nên hôm sau bệnh nhân lên máy bay trở lại TP HCM.

no-i-ma-n-7312-1704699356.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=s5ww15sqgnI8FhJ3jegfHQ

Bệnh nhân nổi mẩn khắp người sau tiêm vaccine phòng dại. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

"Khi vào viện sau chuyến bay, bệnh nhân nổi mẩn toàn thân, huyết áp tụt", bác sĩ nói, thêm rằng khó xác định chính xác nguyên nhân phản vệ bởi bệnh nhân sử dụng cùng lúc ba loại, nghi ngờ nhiều nhất là vaccine uốn ván. Bệnh viện thỉnh thoảng tiếp nhận vài trường hợp phản vệ vaccine uốn ván, song đa số đều được xử trí kịp thời.

Theo bác sĩ Thành, trường hợp này, nhờ bệnh viện tuyến trước xử trí tốt nên người bệnh không gặp nguy hiểm.

Bác sĩ khuyến cáo người bị chó cắn cần theo dõi tình trạng của chó và tiêm ngừa dại, bởi nếu chẳng may phát bệnh dại sẽ khó qua khỏi. Sau tiêm ngừa vaccine cần theo dõi sát, không nên đi đâu xa, bởi nếu chẳng may xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bị phản vệ có thể đến viện sớm, tránh trường hợp cấp cứu trễ, nguy cơ đe dọa tính mạng hoặc để lại di chứng nặng. Cần thông báo với bác sĩ nếu có tiền sử dị ứng.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022