Ngày 23/9, tại Hội thảo về phòng chống sốt xuất huyết, bác sĩ Lương Chấn Quang, Viện Pasteur TP HCM, cho rằng dịch sốt xuất huyết năm nay chỉ thấp sau 1998 - năm đại dịch của Việt Nam, do nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên, có những yếu tố không thể thay đổi như biến đổi khí hậu - gây tác động đến vector truyền bệnh là muỗi vằn, khiến nhiều vùng trước đây không có sốt xuất huyết nhưng hiện bị ảnh hưởng, chẳng hạn Lâm Đồng.
Bên cạnh đó, số ca mắc tăng rất nhanh do tác động của việc giao thương đi lại, trong bối cảnh các địa phương bình thường hóa, mở cửa trở lại, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán nhanh, rộng.
Ngoài ra, quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát cũng khiến dịch bùng phát nhanh. Nhiều vật chứa nước vô tình được tạo ra trong khu vực đô thị, với mật độ dân cư đông, tạo nên những ổ chứa loăng quăng - nơi sinh sống của muỗi, dẫn đến sốt xuất huyết cực kỳ khó kiểm soát.
"Nguồn lực chống dịch của chúng ta không ổn định, thiếu kinh phí đầu tư cho giám sát. Sau khi hết chương trình quốc gia phòng chống sốt xuất huyết, rất nhiều địa phương không còn kinh phí để giám sát dịch", bác sĩ Quang nói và thêm rằng kinh phí của nhiều địa phương chỉ đầu tư "khi dịch đã xảy ra rồi, chứ không phải phòng ngừa chủ động". Thậm chí, nhiều nơi không còn hóa chất diệt muỗi.
Chưa kể, hoạt động chống dịch dựa hoàn toàn vào con người, trong lúc nhân sự y tế đang biến động mạnh, cộng đồng còn tâm lý chủ quan và chính quyền chưa xử lý mạnh. Sau đợt chống dịch Covid-19, nhiều nhân sự cũ nghỉ việc, những người chuyên trách mới lên thay chưa nhiều kinh nghiệm phòng chống sốt xuất huyết, đòi hỏi nhiều thời gian tập huấn, đào tạo.
Theo bác sĩ Quang, khu vực phía Nam thường chiếm khoảng 50% số ca mắc toàn quốc. Riêng năm nay, số ca đã chiếm 80% cả nước, dự báo vẫn chưa giảm độ "nóng" do khí hậu nắng, ẩm, mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi vằn phát triển.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
PGS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Pasteur TP HCM, cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thống kê tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết tăng hơn 30 lần trong 50 năm qua. Dịch này được WHO xếp là một trong 10 thách thức y tế toàn cầu. Ước tính, khoảng 40% dân số thế giới sống ở vùng nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết với tỷ lệ mỗi lúc mỗi tăng.
Ông Trung cho biết sốt xuất huyết do 4 type huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn, có nghĩa những lần nhiễm virus về sau thường khiến người bệnh diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó. Tuy nhiên, việc sốt xuất huyết có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ.
Cụ thể, theo PGS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết diễn tiến nhẹ, song 10-30% chuyển nặng. Nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ sốc sốt xuất huyết nặng, tử vong. Nhiều người bị biến chứng nặng như sốc kéo dài, xuất huyết ồ ạt, suy hô hấp, suy đa cơ quan, viêm gan tối cấp, bệnh lý não do sốt xuất huyết... Đặc biệt, nhóm bệnh nhân nguy cơ cao là trẻ nhũ nhi dưới một tuổi, người béo phì, thai kỳ, bệnh nền...
Nhận định về những thách thức trong phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam, bác sĩ Đỗ Thị Hồng Hiên, đại diện WHO, cho rằng việc kiểm soát vector vô cùng khó khăn, buộc phải chấp nhận sốt xuất huyết như một phần cuộc sống với quá trình đô thị hóa, dân số tăng, sự phát triển kinh tế xã hội... Nhiều quốc gia làm rất tốt về phòng chống với nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn đối mặt dịch hàng năm, chu kỳ vài ba năm có một đợt dịch lớn.
"Việt Nam còn nhiều hạn chế về nguồn lực, có nhiều khó khăn phải đương đầu. Đặc biệt sau gần ba năm ứng phó Covid-19, hệ thống kiệt quệ, nguồn lực cũng cạn kiệt", bác sĩ Hiên nói và nhấn mạnh "cán cân giữa dự phòng và đáp ứng bệnh của nước ta đang bị lệch quá nhiều".
Dự kiến, sắp tới đoàn chuyên gia của WHO sẽ vào làm việc tại khu phía Nam để chia sẻ các kinh nghiệm chống dịch, đặc biệt là các khu vực có số ca mắc và số tử vong cao như TP HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Dương.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 211.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 87 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,3 lần, tử vong tăng 68 trường hợp. Sốt xuất huyết ở trẻ em đang có dấu hiệu bùng phát, tăng nhanh và diễn biến phức tạp với nhiều ca bệnh diễn biến nặng. Dịch đang lan đến phía Bắc với số ca mắc mới tăng và có trường hợp tử vong.
Các chuyên gia cho rằng vaccine sẽ là chìa khóa tháo gỡ. Tuy nhiên, việc phát triển vaccine ngừa sốt xuất huyết vẫn đang là thử thách lớn, cần thêm thời gian. Ngành y tế cũng đang hướng đến những công cụ phòng ngừa mới, chẳng hạn thả muỗi mang wolbachia ra cộng đồng, bên cạnh các biện pháp lâu nay như ngủ mùng, vệ sinh nhà cửa, diệt loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi...
Lê Phương