Nhiều người thường lầm tưởng rằng tủ lạnh là một nơi bảo quản thực phẩm an toàn tuyệt đối, thậm chí có thể tiêu diệt vi khuẩn. Điều này sai lầm và nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách trong tủ lạnh ngoài gây hư hại, giảm dinh dưỡng còn có thể tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển. Đặc biệt là “sát thủ trong tủ lạnh” Listeria monocytogenes.
Bác sĩ cấp cứu Chen Shangqin thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cho biết: “Nhiễm Listeria thường xuất hiện khi con người ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn và gây ra bệnh gọi là Listeriosis. Bệnh này rất nguy hiểm, có thể gây sẩy thai, sinh non, nhiễm trùng huyết, viêm màng não và tử vong. Đặc biệt nghiêm trọng ở người già, phụ nữ mang thai và người suy giảm miễn dịch”.
Sản phụ 27 tuần cấp cứu, sinh non nguy hiểm vì nhiễm khuẩn Listeria khi uống sữa (Ảnh minh họa)
Ông chia sẻ, gần đây mình mới tiếp nhận một sản phụ ngộ độc, sinh non ở 27 tuần trong tình trạng nguy hiểm do nhiễm Listeria. Đó là cô Mai, 36 tuổi, sống tại Chiết Giang (Trung Quốc). Cô vốn không thích sữa nhưng kể từ khi mang thai, ngày nào cũng uống 1 - 2 cốc sữa tươi để con khỏe mạnh hơn.
Khi thai nhi được 24 tuần, cô Mai uống 1 cốc sữa tươi để trong tủ lạnh rồi sau đó bị tiêu chảy và sốt nhẹ. Cô tới bệnh viện điều trị và được xuất viện sau 1 ngày. Đến tận 3 tuần sau thì cô đột nhiên lại bị sốt cao. Lúc đầu, cô Mai cho rằng mình bị cảm lạnh nhưng khi đo nhiệt độ cao tới 39,2 độ C cùng những biểu hiện vỡ ối sớm thì gia đình vội vã gọi xe cấp cứu.
Có cần rửa lại thịt, cá mua ở siêu thị? Chuyên gia tiết lộ 1 thói quen tưởng sạch nhưng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn
“Thai phụ sinh non ở tuần 27, đứa bé bị sốc nhiễm trùng ngay sau khi chào đời. Xét nghiệm máu cho thấy số lượng bạch cầu cao bất thường. Chúng tôi phát hiện lý do là người mẹ bị nhiễm vi khuẩn Listeria gây nhiễm trùng và lây truyền sang cả con. May mắn là cả mẹ và con đều an toàn sau rất nhiều nỗ lực từ đội ngũ y bác sĩ. Tuy nhiên, vẫn phải điều trị thêm và biến chứng ở đứa bé là không thể tránh khỏi” - bác sĩ Chen chia sẻ.
Phân tích cho thấy, nguồn lây nhiễm bắt nguồn từ cốc sữa tươi mà cô đã uống cách đó 3 tuần. Cô đã bảo quản sữa trong tủ lạnh trong nhiều ngày và không đậy nắp kín sau khi rót sữa ra cốc.
Cách đơn giản nhất để phòng lây nhiễm vi khuẩn Listeria
Cũng giống như cô Mai, nhiều người không biết rằng có nhiều loại vi khuẩn có thể tồn tại, phát triển ngay trong môi trường tủ lạnh. Nhất là nếu chúng ta bảo quản không đúng cách như đóng không kín nắp, để chung thực phẩm sống và chín… Khi nhận ra sai lầm của mình khiến bản thân và con gặp nguy hiểm, cô mai òa khóc nức nở, liên tục tự trách mình.
Theo bác sĩ Chen, vi khuẩn Listeria có khả năng tồn tại mạnh mẽ trong môi trường dưới 4 độ C. Cụ thể: “Hầu hết vi khuẩn sẽ chậm lại tốc độ phát triển nhưng Listeria vẫn có thể phát triển và sinh sản trong môi trường lạnh từ 0 đến 4 độ C và có thể tồn tại trong một năm ở nhiệt độ âm 20 độ C”.
Cần chú ý khi bảo quản các loại thực phẩm trong tủ lạnh, đặc biệt là sữa để phòng nhiễm Listeria (Ảnh minh họa)
Bệnh nhân nhiễm Listeria thường xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, sốt, nhức đầu và đau cơ trong vòng 3 đến 70 ngày sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và viêm màng não, đặc biệt là khi mang thai.
Tuy nhiên, có một cách đơn giản nhưng hiệu quả để phòng tránh lây nhiễm Listeria là làm nóng ở nhiệt độ cao. “Loại vi khuẩn này có khả năng tồn tại ngay cả ở môi trường lạnh nhưng không chịu được nhiệt độ cao. Thực phẩm có thể được khử trùng trong vòng 5 đến 20 phút nếu được nấu chín hoàn toàn hoặc đun nóng đến trên 60 độ C để đảm bảo an toàn” - ông nói.
Bên cạnh đó, ông nhắc nhở không ăn thực phẩm đã nấu chín và bảo quản ở nhiệt độ phòng lâu hơn 2 giờ. Không nên chất quá nhiều thực phẩm, để chung thực phẩm sống và chín trong tủ lạnh. Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh để tránh vi khuẩn chết người này tấn công.
Nguồn và ảnh: HK01, Asia One