Tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động và làm sao để phòng ngừa vô sinh, hiếm muộn là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Số liệu được cung cấp tại một hội thảo năm 2023 có tên "Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" (Bộ Y tế phối hợp thực hiện) cho thấy, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30.
Ảnh minh họa
Thống kê của Bộ Y tế nước ta cho thấy, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, chiếm khoảng 7,7%. Trong đó, các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30 chiếm tỷ lệ 50%. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Sở dĩ tỷ lệ vô sinh hiếm muộn trong nước cao một phần bởi vì hầu như các cặp vợ chồng không biết mình bị vô sinh, hiếm muộn. Họ thường chủ quan với các dấu hiệu cảnh báo cho nên đến khi không thể mang thai tự nhiên sau một thời gian dài mong con, đi khám mới phát hiện mình gặp vấn đề về sinh sản.
Theo các bác sĩ, vô sinh, hiếm muộn vẫn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm và áp dụng các phương pháp hỗ trợ, can thiệp hiện đại, phù hợp. Do đó, việc đi khám sớm là rất quan trọng và cần thiết để gia tăng cơ hội và hiện thực hóa giấc mơ làm ba mẹ cho các cặp đôi.
Ảnh minh họa
Chẩn đoán vô sinh hiếm muộn ở nữ giới là một quá trình phức tạp, bao gồm nhiều bước khác nhau nhằm đánh giá sức khỏe sinh sản. Để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này, theo ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có 3 mốc khám quan trọng mà nữ giới cần chú ý.
Mốc 1: Đánh giá buồng trứng và hệ nội tiết
Mốc đầu tiên trong quy trình khám hiếm muộn là đánh giá tình trạng buồng trứng và hệ nội tiết của người phụ nữ. Điều này thường được thực hiện thông qua siêu âm vào ngày thứ hai của chu kỳ kinh nguyệt.
Lưu ý: Nhiều bệnh nhân có thể cảm thấy bất ngờ khi biết rằng việc khám vào thời điểm đang hành kinh là cần thiết. Nhiều chị em thường nghĩ rằng cần phải "sạch kinh" mới đi khám. Tuy nhiên, việc siêu âm vào thời điểm này là bắt buộc để đánh giá tình trạng buồng trứng và xét nghiệm nội tiết.
Dù có thể cảm thấy không thoải mái khi siêu âm âm đạo trong ngày đèn đỏ, nhưng đây là một phần của quy trình khám hiếm muộn và được coi là siêu âm thường quy bởi các bác sĩ chuyên môn.
Ảnh minh họa
Mốc 2: Khám sau khi sạch kinh
Mốc thứ hai là khám sau khi sạch kinh. Vào thời điểm này, nữ giới cần kiêng quan hệ tình dục để đảm bảo kết quả khám chính xác. Mục tiêu của việc khám ở giai đoạn này là kiểm tra xem có viêm nhiễm nào hay không, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng tiềm tàng như lậu và chlamydia.
- Nếu có viêm nhiễm, cần phải điều trị triệt để.
- Nếu không có viêm nhiễm, bác sĩ sẽ cho chụp phim tử cung và vòi trứng để đánh giá tình trạng bình thường của buồng tử cung, xem vòi trứng có thông hay không. Đây là yếu tố quan trọng để quyết định các bước tiếp theo trong điều trị.
Mốc 3: Siêu âm canh trứng
Mốc cuối cùng là siêu âm canh trứng. Vào thời điểm này, bác sĩ sẽ siêu âm để đánh giá tình trạng buồng trứng và sự phát triển của nang trứng.
Mục tiêu của siêu âm canh trứng là để xác định xem có nang trứng trội hay không và liệu có rối loạn rụng trứng hay không. Điều này giúp đánh giá sự đồng bộ giữa sự phát triển của trứng và niêm mạc tử cung, nhằm đảm bảo quá trình thụ thai diễn ra thuận lợi.
Ảnh minh họa
Quy trình khám hiếm muộn cho nữ giới là một quá trình chi tiết và cần sự kiên nhẫn. Việc hiểu rõ từng mốc khám và tầm quan trọng của chúng sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho các bước tiếp theo trong hành trình tìm kiếm cơ hội làm mẹ.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy trao đổi ngay với bác sĩ sản khoa để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.