Tuổi 30 được cho là đầy niềm vui nhưng không thiếu những lo lắng. Về mặt sức khỏe, sau tuổi 30, ngay cả khi vẻ bề ngoài của bạn trông không khác nhiều so với 20 tuổi thì các cơ chế trong cơ thể cũng đang thay đổi từ từ, từ mật độ xương, rụng tóc, tốc độ trao đổi chất chậm hơn, các vấn đề sinh sản cũng có thể bị ảnh hưởng. Những thay đổi này là một phần bình thường của việc già đi.
Các vấn đề sức khỏe có thể tìm đến bạn khi sang tuổi 30
1. Viêm gân
Bạn nên chú ý hơn một chút về việc tập luyện của mình vì viêm gân thường "tấn công" khi chúng ta ngoài 30 tuổi. Đó là một tình trạng mà các mô liên kết giữa cơ và xương (gân) bị viêm, dẫn đến đau nhói. Theo Cleveland Clinic, khi bạn già đi, gân mất tính đàn hồi và do đó chuyển động lặp đi lặp lại có thể tăng nguy cơ chấn thương cơ.
Ảnh Plos One
2. Bệnh tim
Đau tim là một "kẻ giết người" hàng đầu trên toàn cầu và nhóm đối tượng mắc bệnh tim cũng đang trở nên trẻ hóa. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Circulation, ít nhất 28.732 người trong độ tuổi từ 35-74 đã phải nhập viện vì nhồi máu cơ tim ở Mỹ từ năm 1995-2014. Trong số đó, 30% là những người trẻ tuổi.
3. Tỷ lệ trao đổi chất giảm
Một sự sụt giảm đáng kể trong tỷ lệ trao đổi chất được dễ dàng nhận thấy trong những năm 30 tuổi. Nó càng rõ ràng khi việc khó duy trì cân nặng lý tưởng cho dù bạn vẫn tập luyện thường xuyên. Sự trao đổi chất thấp có liên quan đến sự mất mật độ xương.
4. Bệnh tiểu đường
Bước sang tuổi 30, khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng tăng lên. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (năm 2017) cho thấy tổng số bệnh tiểu đường loại 2 trên toàn cầu là 462 triệu, chiếm 6,28% dân số thế giới. Trong số đó, 4,4% ở độ tuổi từ 15-49.
Ảnh: Pexels
5. Đau lưng
Những người trong nhóm trên 40 tuổi thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi đau lưng nhưng nó cũng có thể xảy ra ở những người mới 30 tuổi. Tiến sĩ Stefano Sinicropi có trụ sở tại Minneapolis cho biết, các nguyên nhân khiến bệnh đau lưng tìm đến người 30 tuổi có thể bao gồm tăng cân, mang thai và giảm mật độ xương...
6. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
Tình trạng này có thể xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn do vi khuẩn tích tụ bên trong âm đạo. Điều này gây ra một phản ứng viêm trong cơ thể, phát triển thành UTIs. Theo Phòng khám Cleveland, nếu các triệu chứng bệnh kéo dài, bạn nên đi khám sớm.
7. Giảm thị lực
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, ước tính có khoảng 8,96 triệu người Mỹ trên 40 tuổi được dự đoán sẽ bị suy giảm thị lực không thể cải thiện. Vì vậy, điều quan trọng là phải kiểm tra với bác sĩ nhãn khoa khi bạn có dấu hiệu giảm thị lực ngày cả khi mới 30 tuổi.
Ảnh: Pixabay
8. Viêm khớp
Bác bỏ quan niệm sai lầm phổ biến rằng "viêm khớp là một vấn đề chỉ thấy ở người lớn tuổi", một báo cáo trong Very Well Health lưu ý rằng mọi người ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em, đều có thể bị ảnh hưởng bởi rối loạn xương. 7,1% bệnh nhân viêm khớp rơi vào nhóm tuổi 18-44.
9. Huyết áp cao
Theo thông tin đưa trên CNN, một nghiên cứu toàn cầu được công bố trên tạp chí y khoa Lancet cho thấy huyết áp cao gây đột quỵ, suy tim và suy các cơ quan khác. Nguy cơ huyết áp cao ở những người trên 30 tuổi đã tăng gấp đôi trong 30 năm qua.
Ảnh: Engin Akyurt/Pexels
10. Rối loạn tiền kinh nguyệt
Rối loạn tiền kinh nguyệt gặp chủ yếu ở nhóm phụ nữ thường xuyên bị trầm cảm, khó chịu và căng thẳng. Mặc dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa rõ ràng, nhưng các yếu tố như thay đổi nội tiết tố, lạm dụng rượu hoặc chất kích thích, béo phì và di truyền có thể được cho là tác nhân làm tăng tốc vấn đề này ở phụ nữ tuổi 30.
11. Rối loạn ăn uống
Đối tượng gặp rối loạn ăn uống phổ biến nhất là thanh thiếu niên, nhưng những người độ tuổi 30 không nằm ngoài nguy cơ này. Theo một báo cáo được công bố trên The Guardian, sự khởi đầu của chứng biếng ăn có thể ảnh hưởng đến mọi người trưởng thành, nếu không được điều trị sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bước sang tuổi 40.
Ảnh: Pixabay
12. Thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt thường gặp ở phụ nữ trên 30 tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2019, tỷ lệ mắc bệnh trên toàn cầu là 29,9% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 15-49.
Danh sách việc cần làm "kéo dài tuổi 30" của bạn
Chia sẻ trên trang Very Well Health, tiến sĩ Mark Stibich, người sáng lập và Giám đốc Khoa học của Xenex Healthcare Services, đã đề cập đến những việc mà bạn nên làm đều đặn ngay từ 30 tuổi để kéo dài sự trẻ trung, khỏe mạnh và không lo lão hóa như sau:
1. Duy trì cân nặng thích hợp
Giảm cân ở tuổi 30 sẽ dễ dàng hơn khi sang 40 tuổi. Điều này là do khi tuổi tác ngày càng tăng, sự trao đổi chất và khối lượng cơ nạc của bạn sẽ giảm. Điều này dẫn đến dễ tăng cân và khó giảm cân.
2. Ưu tiên tập thể dục
Nếu tập thể dục thường xuyên, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn, nhiều năng lượng và ngủ ngon. Nhờ đó bạn cũng sẽ làm được nhiều việc và khả năng sáng tạo cũng tốt hơn.
3. Học cách ngủ
Dành thời gian ở độ tuổi 30 để xây dựng kỹ năng ngủ - ngủ trong vòng 30 phút sau khi chạm gối. Hãy đảm bảo bạn ngủ đủ giấc mỗi đêm và nếu gặp vấn đề về giấc ngủ, đến gặp bác sĩ sớm.
4. Bắt đầu thực hiện các kì kiểm tra sức khỏe
Đừng nghĩ rằng chỉ vì bạn "mới 30 tuổi" mà không có nguy cơ mắc bệnh. Tiểu đường, huyết áp cao và các bệnh khác có thể đã bắt đầu trong cơ thể bạn. Bạn cần phải "phát hiện và hành động nhanh chóng" để đối phó với chúng. Vì vậy, đừng bỏ qua các cuộc kiểm tra định kì, đặc biệt nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư hoặc bệnh tim.
5. Cân bằng giữa gia đình và công việc
Tuổi 30 là lúc sự nghiệp của bạn có thể thực sự "cất cánh". Đó cũng là khi bạn có một gia đình ổn định (hoặc một mối quan hệ nghiêm túc). Đạt được sự cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc của bạn là rất quan trọng. Hãy dành chút thời gian để ngồi lại và suy ngẫm "mọi thứ có cân bằng không? Có cần thay đổi không?". Làm được điều này có thể làm giảm đáng kể những căng thẳng trong cuộc sống của bạn.
Ở tuổi 30, nếu có thể giữ cân nặng khỏe mạnh, ăn uống đúng cách, giảm căng thẳng, tập thể dục phù hợp... thì bạn đang có những năm tháng sống khỏe mạnh không bệnh tật chờ đón trước mặt. Vậy thì có lý do gì mà không bắt đầu ngay từ hôm nay.
Theo Verywellhealth, Medical Daily, CNN