Bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý mạn tính, sức khỏe bình thường, gần đây xuất hiện đau ngực và ho khan nên đi khám. Kết quả chụp CT và sinh thiết tại Bệnh viện Bạch Mai phát hiện ung thư biểu mô tuyến phổi trái, di căn phổi phải, gan, thận, có đột biến gene.
Ngày 9/1, bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, cho biết bệnh nhân được điều trị bằng phác đồ hóa chất kết hợp thuốc miễn dịch, mỗi chu kỳ kéo dài 21 ngày. Ông cũng được bổ sung vitamin B12 trước ngày truyền hóa chất (mỗi 3 chu kỳ) và acid folic hàng ngày.
Sau 4 chu kỳ điều trị, thể trạng người bệnh cải thiện rõ rệt: ho khan giảm, không khó thở, đau ngực thuyên giảm, tổn thương phổi thu nhỏ. Hiện tại, bệnh đáp ứng một phần với điều trị và tiếp tục được theo dõi.
Mô phỏng ung thư phổi. Ảnh: Pinterest
Ung thư phổi nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, khi phát hiện muộn (giai đoạn III, IV), tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ khoảng 5%. Tại Việt Nam, ung thư phổi có tỷ lệ tử vong cao do thường được chẩn đoán muộn vì diễn tiến âm thầm. Do đó, việc tầm soát sớm là yếu tố quyết định trong điều trị hiệu quả.
Theo Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan), năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 26.000 ca ung thư phổi, với hơn 23.000 trường hợp tử vong. Khoảng 90% bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá.
Bác sĩ khuyến cáo nên tầm soát ung thư phổi định kỳ hàng năm, đặc biệt với người từ 50-80 tuổi; đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm; thường xuyên hít phải khói thuốc; có người thân mắc ung thư phổi; hoặc từng phơi nhiễm khí Radon (một loại khí phóng xạ tự nhiên có thể xuất hiện trong môi trường sống, nhà ở, trường học, nơi làm việc).
Thùy An