3.300 mẫu thực phẩm ở Anh chứa hóa chất vĩnh cửu
Hóa chất PFAS, chất độc phải mất hàng thế kỷ mới phân hủy trong môi trường, được tìm thấy trong hơn 3.300 mẫu được chính phủ Anh thử nghiệm vào năm 2022.
Vì PFAS có thể tích lũy trong các sinh vật sống và có liên quan đến tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, nhóm chiến dịch Pan UK (cơ quan phân tích kết quả thử nghiệm) đã kêu gọi cấm 25 loại thuốc trừ sâu PFAS đang được sử dụng ở Anh, trong đó có 6 loại được phân loại là "rất nguy hiểm".
Trong số tất cả các mặt hàng được kiểm tra, dâu tây bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì 95% trong số 120 mẫu được kiểm tra có chứa PFAS. Ngoài ra, còn có 61% trong số 109 mẫu nho có chứa PFAS, 56% trong số 121 mẫu anh đào, 42% trong số 96 mẫu rau bina và 38% trong số 96 mẫu cà chua.
Dâu tây và các loại rau củ quả đều chứa hóa chất vĩnh cửu PFAS
Theo báo cáo từ Ủy ban Cố vấn về dư lượng thuốc trừ sâu (PRiF) thuộc Bộ Môi trường Anh, các loại thực phẩm và đồ uống đã được kiểm tra dư lượng khoảng 401 loại thuốc trừ sâu. Phân tích cho thấy đào, dưa chuột, mơ và đậu đều có ít nhất 15% mẫu có chứa PFAS.
Báo động ngộ độc hóa chất ở trẻ từ sự bất cẩn của người lớn
Báo cáo PRiF cho biết 56,4% mẫu được kiểm tra có chứa dư lượng thuốc trừ sâu mà họ đang kiểm tra, nhưng mức dư lượng này thấp hơn ngưỡng tối đa (MRL) được cho phép trong thực phẩm theo luật của Anh. Trong khi đó, 1,8% mẫu chứa dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá mức mức cho phép.
Báo cáo cho biết Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe của Vương quốc Anh (HSE) tiến hành đánh giá rủi ro đối với tất cả dư lượng thuốc trừ sâu được tìm thấy trong chương trình thử nghiệm và sẽ có hành động tiếp theo nếu xác định được rủi ro đối với sức khỏe.
Nick Mole từ Pan UK cho biết thuốc trừ sâu PFAS "hoàn toàn không cần thiết để trồng lương thực" và kêu gọi Chính phủ Anh cấm 25 loại thuốc trừ sâu hiện đang được sử dụng.
"Với ngày càng nhiều bằng chứng liên quan đến PFA với các bệnh nghiêm trọng như ung thư, điều đáng lo ngại sâu sắc là người tiêu dùng Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ăn phải những hóa chất này, một số trong đó có thể tồn tại lâu trong cơ thể họ trong tương lai.
Chúng ta cần khẩn trương phát triển sự hiểu biết tốt hơn về những nguy cơ sức khỏe liên quan đến việc ăn phải những 'hóa chất vĩnh viễn' và làm mọi thứ có thể để loại chúng khỏi chuỗi thức ăn", ông nói.
Người phát ngôn của Bộ Môi trường, Thực phẩm & Nông thôn (Defra) trả lời Sky News: "Chúng tôi đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt về mức dư lượng thuốc trừ sâu trong cả thực phẩm cho người tiêu dùng và thức ăn cho động vật.
Những giới hạn này được đặt ra để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và được đặt dưới mức được coi là an toàn cho người ăn cũng như áp dụng cho cả thực phẩm được sản xuất ở Anh và thực phẩm nhập khẩu từ các nước khác".
Mỹ khuyến cáo về mối lo phơi nhiễm hóa chất vĩnh cửu
Cùng chung mối lo về sức khỏe như Vương quốc Anh, mới đây, nghiên cứu do Viện Dartmouth, bang New Hampshire, Mỹ, dẫn đầu cho thấy những người thường xuyên ăn hải sản có thể đối mặt với nguy cơ gia tăng phơi nhiễm hóa chất vĩnh cửu - PFAS.
Dữ liệu quốc gia chỉ ra rằng New Hampshire cùng với vùng New England - là một trong những nơi tiêu thụ hải sản hàng đầu của đất nước, do đó các nhà nghiên cứu đã chọn nơi đây để tìm hiểu mức độ phơi nhiễm của người dân với PFAS thông qua cá và động vật có vỏ.
Các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ 26 loại PFAS khác nhau trong các mẫu đồ biển được tiêu thụ nhiều nhất: cá tuyết, cá haddock, tôm hùm, cá hồi, sò điệp, tôm và cá ngừ.
Người Mỹ lo lắng ăn nhiều hải sản sẽ bị phơi nhiễm hóa chất vĩnh cửu PFAS
Họ phát hiện tôm và tôm hùm có nồng độ PFAS cao nhất, trung bình từ 1,74 - 3,30 nanogram trên mỗi gam thịt. Ở các loài cá và hải sản khác, con số này dưới 1 nanogram.
Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành một cuộc khảo sát trên 1.829 cư dân New Hampshire để đánh giá mức độ tiêu thụ hải sản của người dân nơi đây. Kết quả ghi nhận nam giới ở New Hampshire ăn trung bình hơn 1 ounce (28,3 gram) hải sản mỗi ngày và phụ nữ ăn gần 1 ounce. Con số này cao gấp 1,5 lần mức trung bình quốc gia.
Trong khi đó trẻ em New Hampshire nhóm tuổi 2 - 11 tuổi ăn khoảng 0,2 ounce (5,7 gram) hải sản một ngày, mức cao nhất so với trẻ em toàn quốc.
Trên tạp chí Exposure and Health, các nhà nghiên cứu nói những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết phải có các hướng dẫn y tế công cộng nghiêm ngặt hơn, thiết lập lượng hải sản mà mọi người có thể ăn một cách an toàn để hạn chế tiếp xúc với PFAS.
"Nghiên cứu của chúng tôi không khuyến nghị mọi người ngừng ăn hải sản, vì đây là nguồn protein nạc và axit béo omega tuyệt vời. Nhưng nó cũng có khả năng là nguồn phơi nhiễm PFAS ở người mà chúng ta đang đánh giá thấp, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai và trẻ em", tiến sĩ Megan Romano, phó giáo sư dịch tễ học tại Trường Y Geisel của Dartmouth College, cho biết.
PFAS nguy hiểm ra sao?
PFAS là từ viết tắt tiếng Anh của các chất thuộc nhóm poly-fluoro-alkyl, bao gồm hơn 4.000 chất hóa học được phát hiện cho tới nay. Nhóm hóa chất này được sử dụng để tạo ra lớp phủ giúp các sản phẩm có khả năng chống nước, chống dầu mỡ và chống bụi bẩn.
PFAS được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất bọt cứu hỏa, kim loại mạ điện và thiết bị điện tử. Trong đời sống thường ngày, có thể tìm thấy PFAS trong quần áo chống thấm nước, chảo chống dính, mỹ phẩm, dụng cụ y tế. Những hợp chất này có thể lắng đọng trong máu, thận, gan và được cho là có liên quan đến bệnh ung thư, gây rối loạn chức năng nội tiết tố.
Ông Martin Scheringer - Đại học ETH Zurich, Thụy Sĩ: "PFAS gây hại cho gan, phổi và về lâu dài có thể gây bệnh ung thư. Chúng có thể có tác động xấu tới tuyến giáp, có thể khiến trẻ nhỏ bị thấp còi. Chúng có hại cho quá trình trao đổi chất và tiêu thụ calo, gây rối loạn nội tiết tố và tác động tới hệ nội tiết, làm giảm số lượng tinh trùng, thậm chí có thể làm suy giảm miễn dịch".
PFAS gây hại cho gan, phổi và về lâu dài có thể gây bệnh ung thư
Trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước do tồn dư hóa chất trong sinh hoạt, trồng trọt, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ trong vài năm gần đây đã siết chặt các quy định đối với PFAS. Hồi tháng 3/2023, cơ quan này đã đưa ra quy định mang tính lịch sử yêu cầu kiểm soát nồng độ của một số "hóa chất vĩnh cửu" PFAS trong nước uống tại Mỹ.
Đặc biệt, Tập đoàn hóa chất 3M sẽ chi 10,3 tỷ USD trong 13 năm để hỗ trợ cho các thành phố, thị trấn và các cơ quan quản lý nước công cộng thử nghiệm và xử lý hóa chất vĩnh cửu PFAS. Đây được đánh giá là thỏa thuận dàn xếp về nước uống lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Từ góc độ cá nhân, mỗi chúng ta có thể giảm thiểu việc tiếp xúc với hóa chất vĩnh cửu bằng cách hạn chế tiêu thụ đồ ăn đóng hộp, đồ ăn nhanh, bỏng ngô nổ bằng lò vi sóng, dụng cụ nấu nướng chống dính, hoặc lắp đặt các bộ lọc chuyên dụng để loại bỏ PFAS khỏi nước máy.
Các thành viên Liên minh châu Âu đang tăng cường quản lý hóa chất vĩnh cửu. Đan Mạch cấm sử dụng các chất này trong bao bì thực phẩm từ năm 2020, nước này cùng với Đức, Hà Lan, Thụy Điển và Na Uy đồng loạt kêu gọi việc cấm sử dụng hóa chất vĩnh cửu trên toàn lãnh thổ EU, có thể có hiệu lực sớm nhất vào năm 2025.
Theo Healthline, Sky News