"Khi chơi bóng rổ, tôi bị chọn sau cùng. Khi xếp hàng, tôi luôn đứng đầu tiên", Toàn, hiện làm trình dược viên, ngậm ngùi nói.

Ngày bé, chàng trai ở Thanh Trì, Hà Nội, từng hy vọng vào lời động viên của mẹ: "Rồi lớn con sẽ cao lên". Nhưng năm tháng trôi qua, sự kỳ vọng chưa bao giờ trở thành thực tế. Lên cấp ba, Toàn thích một cô bạn cùng lớp, cao 1,6 mét. Câu nói "tốt bụng nhưng hơi thấp" của người bạn gái như "nhát dao" cứa sâu vào lòng cậu thiếu niên.

Toàn lao vào tìm cách tăng chiều cao từ tập xà đơn đến thử các bài tập kéo dài chân trên mạng, song không có gì thay đổi. Cuối cùng, anh mua đôi giày độn 7 cm, lần đầu tiên cảm thấy phấn khích khi chiều cao vượt lên. Nhưng tai nạn hụt chân trên cầu thang khiến anh trở nên e dè, tự ti. Từ đó, Toàn ít nói hơn, luôn thấy mình kém cỏi.

Chị Thanh, 39 tuổi, cũng mang nỗi lo tương tự khi con trai chị, bé Bi, có chiều cao khiêm tốn, sợ di truyền từ bố mẹ. Từ khi Bi lên 3 tuổi, mỗi ngày chị cho con uống sữa tăng chiều cao. Đến 5 tuổi, Bi tập bơi lội, đu xà. Nhưng lớn lên, Bi thường xuyên phải nghe những lời so sánh với bạn bè cao hơn.

Lên lớp 8, Bi cao 1,51 m - con số khiến chị Thanh càng sốt ruột. Chị đăng ký cho con tập gym, bơi lội, uống thực phẩm chức năng, bắt thức dậy từ 5h sáng để tập thể dục. Nhưng chiều cao chỉ nhích lên đôi chút khiến người mẹ càng thất vọng.

0x1a4484-01-1567648099-1739350-8414-1493-1739350951.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Eye8NGKmuUtqFBQqW2wBqQ

Ba năm đầu đời là mốc quan trọng để trẻ phát triển chiều cao. Ảnh: Hữu Khoa

Nỗi ám ảnh về chiều cao của người Việt trở thành một hiện tượng đáng chú ý, tạo ra áp lực không nhỏ cho cả trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và phụ huynh. Theo số liệu điều tra dinh dưỡng năm 2019–2020, chiều cao trung bình nam thanh niên Việt Nam là 168,1 cm (tăng 3,7 cm so với năm 2010), nữ là 156,2 cm (tăng 1,4 cm). Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng này vẫn được đánh giá là khá chậm. Tính từ năm 1975, chiều cao trung bình người Việt chỉ tăng khoảng 1,1 cm mỗi thập niên.

Thống kê năm 2023 cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam là 18% – thuộc nhóm trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, tại vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, con số này cao hơn đáng kể, lên đến 30%.

Áp lực chiều cao ngày càng lớn trong hai thập niên gần đây, khi vóc dáng cao lớn được coi là tiêu chuẩn thành công ở nhiều nước châu Á, bao gồm Việt Nam. Một khảo sát tại Trung Quốc năm 2021 chỉ ra 60% phụ huynh muốn con gái cao từ 160–165 cm, trong khi 30%cha mẹ mong con trai đạt từ 175–180 cm. Theo họ, chiều cao ảnh hưởng đến sự nghiệp, cơ hội kết hôn và sức khỏe tinh thần. Tại Việt Nam, xu hướng này không hề khác biệt, khi nhiều phụ huynh sẵn sàng đầu tư lớn để con cái thỏa mãn chuẩn mực về vóc dáng.

Thực tế, thị trường thực phẩm chức năng, thuốc tăng chiều cao hoặc các dịch vụ liên quan ngày càng sôi động. Tìm kiếm từ khóa "viên uống tăng chiều cao" trên Google có thể trả về hơn 20 triệu kết quả. Người bán quảng cáo từ sản phẩm cao cấp đến hàng xách tay không rõ nguồn gốc, với giá từ 500 nghìn đến một triệu đồng mỗi hộp. Một số gia đình thậm chí bỏ ra hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng, tìm các phương pháp như tiêm hormone tăng trưởng, tập gym, dịch vụ tăng chiều cao với bài tập độc quyền. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.

PGS. TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẳng định việc sử dụng những biện pháp quá mức để thúc ép trẻ tăng chiều cao có thể gây stress, lo âu, thậm chí rối loạn ăn uống. Ông nhấn mạnh nếu bỏ lỡ thời điểm vàng –1.000 ngày đầu tiên từ khi mang thai đến lúc trẻ tròn 2 tuổi – thì việc can thiệp sau này trở nên kém hiệu quả. Những trường hợp trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng cần được điều trị bởi bác sĩ nội tiết trước tuổi dậy thì.

Theo WHO và Bộ Y tế, chế độ dinh dưỡng, vận động và giấc ngủ là các yếu tố quan trọng giúp trẻ đạt chiều cao tối ưu. Bác sĩ Hưng cho biết trẻ có ba giai đoạn tăng trưởng chiều cao quan trọng: trong thai kỳ, từ 0–2 tuổi, và giai đoạn tiền dậy thì, dậy thì (10–18 tuổi). Chỉ cần tận dụng tối đa các giai đoạn này, trẻ có thể phát triển vượt trội.

Trong chế độ dinh dưỡng, bác sĩ khuyến khích bổ sung đa dạng thực phẩm thuộc 4 nhóm chất: đường bột, béo, đạm, vitamin và khoáng chất. Canxi, phốt pho, magie từ sữa, cá, hải sản, rau xanh cũng rất cần thiết để hỗ trợ xương phát triển. Bên cạnh đó, các môn thể thao như bóng rổ, bơi lội, chạy bộ, nhảy dây là cách hiệu quả để kéo dài cột sống, tăng cường cơ bắp.

cb589b60c0f57aab23e4-173935025-6662-7934-1739350951.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=niqso1es2B-9pvC70Nx9hg

Nhiều người ám ảnh về chiều cao khi đã trưởng thành, quyết định phẫu thuật kéo dài chân, chấp nhận đau đớn. Ảnh minh họa: Thúy Quỳnh

Áp lực thấp bé khi trưởng thành khiến Toàn có ý định tìm đến phẫu thuật kéo dài chân, bất chấp những tổn hại sức khỏe, mất nhiều tháng để hồi phục hoàn toàn.

Các chuyên gia nhìn nhận việc này có thể giúp cao thêm đến hơn 10 cm, tổng chi phí cho cả quá trình ở Việt Nam khoảng vài trăm triệu đồng, song bệnh nhân phải chịu những cơn đau đớn thể xác và tâm lý trong thời gian dài.

"Dù vậy, nỗi ám ảnh chiều cao luôn hiện hữu trong tôi, không thoát ra được nên tôi đang cố gắng làm việc, kiếm nhiều tiền để có thể kéo dài chân", Toàn nói.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022