Bỏ thuốc trị huyết áp vì tin rượu vang tốt hơn
PGS.TS. Đinh Thu Hương - Viện Tim mạch Quốc gia cho biết có trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp đã nhiều năm kiểm soát được huyết áp nhưng gần đây chỉ số huyết áp, nhịp tim có hiểu hiện tăng trở lại. Sau khi tìm hiểu, bệnh nhân cho biết ông nghe nói người bị tăng huyết áp thì mỗi ngày chỉ cần uống một ly rượu vang, đi bộ 30 phút, ăn nhạt là có thể khỏi được bệnh mà không cần uống thuốc nên ông đã bỏ uống thuốc một thời gian dài.
Đây là một trong số rất nhiều bệnh nhân khi nghe tư vấn của những người không có chuyên môn đã tự ý bỏ thuốc mà PGS. TS Đinh Thu Hương gặp hằng ngày tại phòng khám. Bệnh nhân bỏ thuốc không những khó kiểm soát được bệnh mà còn có nhiều hệ lụy. PGS. Hương cũng cho biết, uống một chút rượu vang, đi bộ và ăn nhạt là những biện pháp hỗ trợ tốt cho bệnh nhân tăng huyết áp chứ không thể thay thế được thuốc, do đó người bệnh không nên nghe các tư vấn thiếu chứng cứ khoa học mà bỏ thuốc, tự hại bản thân.
Ông Nguyễn C. (75 tuổi) ở An Hải, Hải Phòng không uống được bia rượu nhưng nghe nhiều người nói rượu vang rất tốt, mỗi ngày một ly là cải thiện khí huyết, tốt cho tim mạch nên mỗi bữa ông nhắm mắt uống cho hết 1 ly vang mà theo ông là vừa đắng đắng lại vừa chát chát.
Vậy rượu vang có thực sự là một loại "thần dược" tốt cho người bệnh tim mạch, tăng huyết áp như lời đồn ?
Rượu vang không phải là "thần dược" như nhiều người vẫn đồn, rượu vang có thể gây nghiện rượu nếu lạm dụng.
Tại sao mọi người nghĩ rượu vang đỏ tốt cho sức khỏe?
Ý tưởng rượu vang đỏ tốt cho sức khỏe đã xuất hiện vào những năm 1990 khi "nghịch lý kiểu Pháp" về chế độ ăn uống của người Pháp lần đầu tiên được giới thiệu với người Mỹ thông qua một tập phim 60 Minutes đầy tác động.
Một số nhà dịch tễ học người Pháp cho biết, mặc dù chế độ ăn uống điển hình của người Pháp có nhiều chất béo bão hòa, nhưng người Pháp có tỷ lệ mắc bệnh tim thấp hơn nhiều quốc gia. Họ cho rằng nghịch lý này là do người Pháp áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải và đặc biệt là do tiêu thụ rượu vang đỏ vừa phải. Nhưng một số nhà nghiên cứu lập luận rằng các yếu tố lối sống không được kiểm soát trong nghiên cứu, điều này có thể làm sai lệch kết quả.
L. Maximilian Buja - giáo sư bệnh học và y học phòng thí nghiệm tại Trường Y McGovern tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas ở Houston cho biết, ông tin rằng rượu vang đỏ đóng vai trò mang lại lợi ích cho sức khỏe nhưng câu chuyện còn nhiều điều hơn thế.
Rượu vang đỏ có thể mang lại một số lợi ích, nhưng nó không phải là thuốc trường sinh. Ngành công nghiệp rượu cũng được khuyến khích quảng bá rượu vang đỏ như một thức uống "lành mạnh" được lựa chọn. Một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên Tạp chí Y tế Công cộng châu Âu cho thấy phần lớn các nghiên cứu về rượu được tài trợ hoặc hỗ trợ bởi ngành công nghiệp rượu.
Rượu vang đỏ có chất chống oxy hóa nhưng nhiều loại thực phẩm khác cũng dồi dào chất chống oxy hóa.
Rượu vang có làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim?
Trên thực tế đã có một số nghiên cứu cho thấy rượu vang đỏ được tiêu thụ ở mức độ vừa phải có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và bảo vệ chống lại sự suy giảm nhận thức. Nhưng một đánh giá có hệ thống mới được công bố trên tạp chí JAMA Network Open lại cho thấy rằng những người uống rượu "vừa phải" không có nguy cơ tử vong thấp hơn những người không uống rượu.
Đánh giá này trái ngược với niềm tin phổ biến rằng việc tiêu thụ rượu vang hoặc bất kỳ loại rượu nào khác ở mức độ thấp không liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong. Các chuyên gia cho biết rượu vang đỏ có thể đóng một vai trò trong việc hỗ trợ sức khỏe tim mạch, nhưng các yếu tố lối sống lành mạnh khác liên quan đến việc uống rượu vang có thể góp phần tạo nên hiện tượng này. Rượu vang đỏ rất giàu chất chống oxy hóa, nhưng chất chống oxy hóa có thể được tìm thấy trong các nguồn thực phẩm khác.
Theo TS. Jinhui Zhao, đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà khoa học tại Viện Canada, nghiên cứu mới không chỉ tập trung vào việc tiêu thụ rượu vang đỏ, mà lợi ích sức khỏe từ việc sử dụng rượu với số lượng thấp là "rất đáng nghi ngờ".
Krishna G. Aragam, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, đồng tác giả của một nghiên cứu về rượu vào năm 2022, nhận thấy rằng bất kỳ mức tiêu thụ rượu nào cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, nhưng rủi ro khác nhau tùy theo lượng tiêu thụ. Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng uống rượu ở mức độ nhẹ đến vừa phải có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn so với những người kiêng rượu, nhưng những lợi ích này đã giảm đi hoặc bị phủ nhận hoàn toàn khi điều chỉnh các yếu tố lối sống nhất định.
Một nghiên cứu mới cho thấy không có mối liên hệ nào giữa rượu vang và chất lượng giấc ngủ.
Rượu vang có giúp ngủ ngon không?
Một số người thưởng thức một ly rượu vang trước khi đi ngủ để thư giãn, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy không có mối liên hệ nào giữa rượu vang và chất lượng giấc ngủ. Uống rượu có thể khiến bạn buồn ngủ, nhưng uống rượu trước khi đi ngủ có thể khiến giấc ngủ bị gián đoạn, kém chất lượng suốt đêm.
Chất chống oxy hóa trong rượu vang đỏ cũng có trong nhiều loại thực phẩm khác
Rượu vang đỏ chứa chất chống oxy hóa từ vỏ nho mà rượu vang trắng hay các loại rượu khác không có. Ví dụ, rượu vang đỏ rất giàu resveratrol , một hợp chất polyphenol tự nhiên hoạt động như chất chống oxy hóa, có thể làm giảm viêm, giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim. Tuy nhiên, resveratrol cũng có thể được tìm thấy trong đậu phộng, quả việt quất và quả nam việt quất... Hơn nữa, một số nghiên cứu cũng cho rằng con người không thể hấp thụ đủ chất chống oxy hóa từ rượu vang đỏ vì bất kỳ lợi ích sức khỏe có ý nghĩa nào.
Do đó, một lượng rượu vang đỏ vừa phải có thể mang lại một số lợi ích nào đó như giúp một số người thư giãn, nhưng thực tế, nếu bạn chưa uống rượu, bạn không nên bắt đầu uống, kể cả rượu vang đỏ hay bất kỳ loại rượu nào vì lợi ích sức khỏe.
“Chúng ta không thể nói về cái gọi là mức độ an toàn của việc sử dụng rượu bia. Không quan trọng bạn uống bao nhiêu – nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu bắt đầu từ giọt đầu tiên của bất kỳ đồ uống có cồn nào. Điều duy nhất mà chúng tôi có thể nói chắc chắn là càng uống nhiều thì càng có hại – hay nói cách khác, uống càng ít thì càng an toàn.” - Tiến sĩ Carina Ferreira-Borges, quyền Trưởng Đơn vị Quản lý bệnh không lây nhiễm và Cố vấn khu vực về rượu và ma túy bất hợp pháp tại Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới cho biết.