Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân được hồi sinh tim phổi, bóp bóng, ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện... Sau lần sốc điện thứ ba, tim mới đập trở lại.

Bác sĩ Phạm Quang Trình, khoa Cấp cứu, cho biết bệnh nhân bị nhồi máu phổi, điều trị theo phác đồ chống đông, hỗ trợ hô hấp, bảo vệ thần kinh. Hiện, bệnh nhân tỉnh, không có tổn thương thần kinh khu trú, đỡ khó thở, đang tiếp tục theo dõi tại Trung tâm Hồi sức tích cực của bệnh viện.

Tắc động mạch phổi, thường gọi nhồi máu phổi, là một bệnh lý hết sức nặng nề, thường dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Nhồi máu phổi xảy ra khi một phần mô phổi chết do nguồn cung cấp máu cho nó bị tắc nghẽn. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của nó, các triệu chứng của nhồi máu phổi có thể khác nhau ở mỗi người. Khi nhồi máu phổi xảy ra, bệnh nhân cần được đánh giá và điều trị tích cực. Mặc dù có nhiều biện pháp điều trị khá tích cực hiện nay, nhưng tỷ lệ tử vong chung ở bệnh nhân nhồi máu phổi vẫn cao, khoảng 20-30%.

1-1708494672-6107-1708494749.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xVc23u5Ow-OxrPetZIDcdQ

Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân bị nhồi máu phổi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Trình cho biết nhồi máu phổi thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi có bệnh đi kèm, đặc biệt là bệnh tim mạch cùng tồn tại và bệnh ác tính tiềm ẩn. Bệnh này ít gặp ở người trẻ. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ nhồi máu phổi ở người trẻ đang gia tăng, có liên quan tới lối sống như ít vận động, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thuốc tránh thai.

Các dấu hiệu đặc trưng của nhồi máu phổi là hụt hơi, khó thở, đau ngực, ho kéo dài, kèm theo máu hoặc đờm, rối loạn nhịp tim, cảm thấy choáng váng và chóng mặt, đổ mồ hôi đầm đìa, sốt, đau tức ở bắp chân, da đổi màu xanh tím, sốc tim.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022