PGS.TS. Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết như trên tại Chương trình đào tạo về tăng huyết áp và đái tháo đường dành cho tuyến y tế cơ sở Hà Nội, ngày 14/8. "Phát hiện và quản lý người mắc bệnh không lây nhiễm hiện nay là một bài toán khó đối với ngành y tế", PGS Hiền nói, thêm rằng chỉ 43% số người tăng huyết áp và 31% số người tăng đường huyết từng được phát hiện bệnh. Trong số họ, chỉ gần 14% số người tăng huyết áp và 29% số người tăng đường huyết được quản lý tại các cơ sở y tế.
Tăng huyết áp và đái tháo đường là hai yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh tim mạch, cũng là những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất ở Việt Nam và toàn cầu. Trong đó tăng huyết áp là loại bệnh lý phổ biến trong cộng đồng với 25% dân số mắc bệnh.
Tăng huyết áp được coi là "kẻ giết người thầm lặng", gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến não, tim, mắt, các mạch máu lớn... Nguy hiểm hơn, người bệnh không phải lúc nào cũng có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt nên nhiều người không biết mình mắc bệnh.
Còn đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đang có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây, ở cả trẻ em. Bệnh trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh. Tuy nhiên, tỷ lệ chưa được chẩn đoán trong cộng đồng còn cao.
Trong khoảng 7 triệu người Việt mắc đái tháo đường có hơn 55% gặp biến chứng, gồm 34% biến chứng về tim mạch, 39% biến chứng về mắt và thần kinh, 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng làm tăng chi phí y tế, giảm chất lượng cuộc sống.
PGS.TS. Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, phát biểu tại chương trình, ngày 14/8. Ảnh: Lê Nga
Tại chương trình, TS. Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Hà Nội, cho biết trước bối cảnh người mắc tăng huyết áp và đái tháo đường ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, nhân viên y tế tuyến cơ sở phải được nâng cao năng lực nhận thức, hiểu biết nhằm chẩn đoán điều trị sớm cũng như dự phòng giúp giảm tỷ lệ người mắc, biến chứng. Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp điều trị, thúc đẩy các dịch vụ y tế sớm cho người dân qua hệ thống trực tuyến, giảm tải các bệnh viện tuyến trên.
Dịp này, Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp với Trung tâm y tế quận Tây Hồ khai giảng khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng thuộc trung tâm y tế về bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường. Hơn 1.000 cán bộ, nhân viên y tế từ 25 trung tâm y tế tham gia học, nâng cao năng lực chẩn đoán, xử trí và quản lý các bệnh này.
Lê Nga