Ngày 17/4, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hà Giang nhận định đây là một trong số ít những trường hợp tại Việt Nam nhiễm độc do culi cắn. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, huyết áp không đo được, tím môi, vằn da hổ rải rác toàn thân, chỉ số SPO2 (nồng độ oxy trong máu) tụt nhanh.
Người đàn ông đang đi rừng thì bắt được con khỉ culi - loài động vật hiếm, sau đó bị con vật này cắn rồi nhảy đi luôn.
Bác sĩ chẩn đoán sốc phản vệ độ 4 sau khi bị cắn giờ thứ 2, nguy kịch tính mạng. Êkíp xử trí cấp cứu thở máy hỗ trợ, thuốc nâng huyết áp, chống dị ứng theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ của Bộ Y tế. Sau ba ngày, tình trạng sức khỏe bệnh nhân dần ổn định và được ra viện.
Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên như thức ăn lạ, thuốc tây, nọc độc côn trùng, động vật hiếm và các yếu tố khác, gây ra các biểu hiện khác nhau như suy hô hấp, hôn mê, ảnh hưởng đến tính mạng.

Ảnh minh họa: Wikipedia
Khỉ culi vốn là loài động vật hiếm, từng được nhiều người ở Việt nhận về nuôi làm cảnh mà không biết nó chứa chất độc có thể gây tử vong. Việt Nam có hai loài là cu li lớn Nycticebus coucang và cu li nhỏ Nycticebus pygmaeus. Chúng thường sống ở rừng xanh nguyên sinh hoặc thứ sinh. Loài này thường kiếm ăn ban đêm với thức ăn chủ yếu là côn trùng, bọ cánh cứng, nhựa cây đóng cục.
Cu li có tuyến nọc độc ở mặt trong hai khuỷu chân phía trước. Nọc độc phủ trên da, trên lông giúp bảo vệ nó khỏi các con côn trùng và sinh vật bên ngoài tấn công. Cu li dùng miệng liếm nọc độc từ tuyến nọc, sau đó chải lông. Nọc độc tiết ra kết hợp với nước bọt và gây nhiễm độc thông qua vết cắn tự vệ.
Biểu hiện nhiễm độc sau khi bị cu li cắn gồm đau buốt nghiêm trọng, tê bì, rối loạn cảm giác, đau đầu, buồn nôn, run rẩy, mệt mỏi khó chịu toàn thân, rối loạn đông máu. Một số trường hợp có biểu hiện dị ứng, thậm chí phản vệ, có thể dẫn đến tử vong. Vết cắn có thể bị nhiễm trùng, hoại tử phần mềm, gây nguy hiểm.
Culi đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng, chúng được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và bị cấm nuôi nhốt, buôn bán. Người dân tuyệt đối không tiếp xúc hoặc bắt giữ khỉ culi, tránh chọc phá hoặc kích động, cẩn thận khi đi rừng hoặc vùng có khỉ culi sinh sống. Khi bị khỉ culi cắn, cần rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng ngay lập tức, tránh hút hoặc nặn vết thương làm lan rộng độc tố, sau đó sơ cứu bằng dung dịch sát trùng (Povidone-iodine, cồn y tế) và đến cơ sở y tế ngay để được theo dõi và điều trị.
Thúy Quỳnh