Số ca tử vong tăng theo từng ngày, các hình ảnh, video về khoảnh khắc sinh tử ngập tràn mạng xã hội, tin tức kéo dài vô tận. Hàng nghìn nhân chứng và nhân viên cứu hộ tại hiện trường kể lại những câu chuyện đau buồn.
Trên các diễn đàn trực tuyến, người dùng bắt đầu đăng tải bài ẩn danh về những biểu hiện cơ thể sau chấn thương, gồm: run rẩy, buồn nôn, gặp ác mộng, mệt mỏi và khóc không kiểm soát. Chính phủ Hàn Quốc và các quan chức y tế đang cảnh báo về tác động này, kêu gọi mọi người cẩn thận trong việc tiêu thụ thông tin và chủ động tìm kiếm sự chăm sóc về tâm thần nếu cần thiết.
Tuy nhiên, các vấn đề về tâm thần và tâm lý vẫn luôn là chủ đề người dân Hàn Quốc nói chung e ngại khi nhắc đến. Đây cũng là rào cản đối với quá trình chữa bệnh.
Ước tính có hàng chục nghìn người tập trung ở Itaewon vào đêm 29/10, khi đám đông bị mắc kẹt trong con hẻm. Các chuyên gia cảnh báo hậu quả của thảm kịch không chỉ ảnh hưởng lên những người có mặt ở đó và gia đình họ.
"Thảm kịch diễn ra trong khu vực mọi người cảm thấy an toàn, họ đến đó để vui chơi. Nếu không vui chơi thì họ cũng chẳng đề phòng, không lường trước được mình sẽ gặp bất cứ điều gì nguy hiểm. Vụ việc có thể gây sốc cho bất cứ ai", Hye-sun Joo, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Giáo dục Chấn thương Hàn Quốc, cho biết.
Cái chết của nhiều người trong độ tuổi thanh thiếu niên gợi nhớ về vụ chìm phà Sewol năm 2014, khiến hơn 300 người thiệt mạng, hầu hết là học sinh trung học. Thảm kịch để lại một cảm giác chung rằng giới chức đã thất bại trong việc bảo vệ những người dễ tổn thương nhất: giới trẻ.
Trong thảm họa giẫm đạp, các hình ảnh, video được chia sẻ ngay lập tức, từ chính những nạn nhân mắc kẹt trong đám đông. Đây là điều không thể tránh khỏi. Truyền thông Hàn Quốc có những tiêu chuẩn khắt khe về việc làm mờ hình ảnh nhạy cảm. Nhưng ở các đoạn video này, người trong cuộc, thậm chí người chết, được ghi lại rõ nét.
"Khi mọi người xem thông tin về đêm hôm đó, họ sẽ tự hỏi các nạn nhân, nhân chứng cảm thấy thế nào, nghe được những gì, nghĩ về điều gì. Mọi người trải qua sự đồng cảm và sợ hãi thay cho nạn nhân, ngay cả khi không có mặt tại hiện trường. Việc tiếp xúc với các thông tin này ảnh hưởng đến họ theo cách đau thương", tiến sĩ Joo nói.
Một du khách thương tiếc sau khi bày tỏ lòng thành kính với nạn nhân trong thảm họa Itaewon, ngày 31/10. Ảnh: Washington Post
Ngày 30/10, nhiều người xếp hàng bên ngoài Tòa thị chính để đặt vòng hoa, nến bày tỏ lòng thành kính với người đã khuất. Một nhà sư Phật giáo cầu nguyện, gõ mõ và tụng kinh khi đoàn người di chuyển qua lại.
Trong căn lều bên cạnh, các cố vấn tâm lý chờ đợi, sẵn sàng trò chuyện với những người có tang. Người ta bố trí hai chiếc bàn gấp bằng nhựa, có cửa chớp nhỏ để che khuất tầm nhìn bên ngoài. Căn lều chỉ cách lối vào khu tưởng niệm nơi mọi người đang trao hoa vài bước chân.
Một cô gái 20 tuổi cùng mẹ đến thăm địa điểm này. Cả hai cho biết muốn cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số "có cuộc sống tốt đẹp hơn trên thiên đường". Người mẹ bày tỏ sự đau buồn khi rất nhiều người thiệt mạng ở độ tuổi như con gái của bà.
Tại một trung tâm cộng đồng ở Hannam, lân cận với địa điểm xảy ra vụ việc, gia đình và bạn bè nạn nhân tập trung tìm kiếm thông tin người mất tích. Sau khi đăng ký tên người tìm kiếm, họ chờ đợi với những biểu hiện u buồn.
Đến trưa, nhiều gia đình nhận tin con cái đã mất, lập tức lao ra khỏi trung tâm trong nước mắt. Họ la hét, chạy đến cạnh ô tô, ga tàu điện ngầm, hoặc chỉ đơn giản là bỏ chạy để xử lý thông tin vừa nhận được.
Một người đàn ông lớn tuổi dừng lại trả lời phỏng vấn của Washington Post trong khi vợ đã đi trước. Ông nghẹn giọng, run lên vì xúc động. "Chúng tôi đã gọi điện, di chuyển đến từ ngôi làng rất xa với hy vọng thấy con mình chỉ bị thương và đang nằm viện. Nhưng chúng tôi được trả về một thi thể", ông nói.
Maryam Kaneko, một nhân viên khách sạn 25 tuổi sống ở Nhật Bản, cho biết cô muốn đến xem đài tưởng niệm các nạn nhân để trấn tĩnh bản thân, sau khi dành ngày cuối tuần lướt xem các hình ảnh và video có phần ghê rợn.
"Đó có thể là tôi, có thể là bất cứ ai. Tôi nổi da gà và không thể ngủ được từ hôm đó. Khi đi tàu điện ngầm với nhiều người xung quanh, tôi cảm giác không thở được. Tôi đã xem mọi hình ảnh, mọi video. Tôi không thể thở được khi nghĩ về nó và đã phải xuống khỏi tàu", cô kể lại.
Ngay trong ngày xảy ra thảm kịch, một người đàn ông trẻ tuổi ngồi khom lưng trong trang phục Người Nhện. Anh nằm trong số rất nhiều người ngồi lại Itaewon với cái nhìn trống rỗng, bao quanh là những tiếng la hét, than khóc của nhân chứng và những người sống sót.
Anh cho biết mình là một phần của đám đông trong con hẻm bị ngã xuống vỉa hè, khi âm nhạc từ các quán bar tiếp tục vang lên. Được yêu cầu mô tả lại những gì đã xảy ra, anh sững người, ánh mắt vô hồn vì run rẩy và không thể tiếp tục câu chuyện.
Hôm 31/10, Hiệp hội Tâm thần và Thần kinh Hàn Quốc đưa ra cảnh báo về thiệt hại lâu dài của thảm kịch đối với tang quyến, bạn bè, những người bị thương, nhân chứng và cả nhân viên cứu hộ. Hiệp hội cho rằng vụ việc tạo ra nhu cầu hỗ trợ sức khỏe tâm thần quy mô lớn.
Chính phủ đã bắt đầu phân bổ một số nguồn lực để giải quyết nhu cầu này. Bộ Y tế Hàn Quốc thành lập nhóm hỗ trợ tâm lý dành cho khoảng 1.000 thành viên gia đình, nhân chứng và những người sống sót sau thảm họa.
Tuy nhiên, nhu cầu điều trị sắp tới sẽ lớn hơn nhiều. Trong những ngày ngay sau thảm kịch, bạn bè và gia quyến người đã mất chia sẻ những kỷ niệm của họ, hỏi han nhau và đề nghị hỗ trợ.
Thục Linh (Theo Washington Post)