Thông tin được Andrey Kaprin, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y học X quang, Bộ Y tế Nga, chia sẻ trên Radio Rossiya ngày 14/12. Vaccine này là sản phẩm hợp tác nghiên cứu của nhiều trung tâm, dự kiến sẽ được lưu hành rộng rãi vào đầu năm 2025.

Trước đó, tiến sĩ Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Quốc gia Gamaleya, cho biết các thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy vaccine hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển của khối u và hạn chế nguy cơ di căn.

Thử nghiệm diễn ra trên người từ 18 đến 75 tuổi, đang mắc bệnh ung thư. Mục tiêu là đánh giá toàn diện tính an toàn, hiệu quả của sản phẩm.

Các thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy vaccine ngăn chặn 75-80% sự phát triển của khối u và nguy cơ di căn. Vaccine đặc biệt hiệu quả trên ung thư thực quản, vú, phổi, tuyến tụy, đại tràng và tuyến tiền liệt.

Vaccine được phát triển theo phương pháp mRNA, được sử dụng để tạo ra vaccine Covid-19. Theo Veronika Skvortsova, người đứng đầu Cơ quan Y sinh Liên bang, vaccine mang tính chất điều trị, không phải phòng ngừa.

"Nó kích hoạt hệ thống miễn dịch để chống lại bệnh tật", bà nói, nhấn mạnh phương pháp tiếp cận sáng tạo của vaccine trong điều trị ung thư.

Công nghệ mRNA hoạt động bằng cách sử dụng các mã di truyền để hướng dẫn tế bào của cơ thể sản sinh protein cụ thể, giúp kích thích hệ miễn dịch nhận diện và tấn công tế bào ung thư. Bằng cách này, vaccine có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và hướng tới tiêu diệt tế bào ung thư.

Bên cạnh đó, vaccine nhắm mục tiêu vào các khối u cụ thể dựa trên kháng nguyên riêng biệt của từng bệnh nhân, mang đến chiến lược điều trị cá nhân hóa cao.

vaccine-ung-tu-jpg-1734334199-1175-1780-1734334321.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UrMxEPUWxrzTklMkRAd55Q

Vaccine ung thư của Nga sẽ được ra mắt năm 2025. Ảnh: Bssnews

Một trọng tâm chính của sáng kiến là kinh phí. Andrey Kaprin, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bác sĩ chuyên khoa ung thư của Bộ Y tế, tiết lộ chi phí ước tính cho mỗi liều vaccine mà chính phủ chi trả là khoảng 300.000 rúp. Người bệnh sẽ được miễn phí, viện sĩ Kaprin nói.

Cam kết này nêu bật bước tiến của Nga hướng tới các giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn, tìm cách cung cấp các phương pháp điều trị chất lượng cao mà không gây gánh nặng tài chính cho cá nhân.

Với việc ra mắt miễn phí vaccine trong năm 2025, giới chuyên gia hy vọng việc chăm sóc sức khỏe có sự đổi mới, thu hẹp khoảng cách thường thấy ở những người đang với bệnh ung thư, đảm bảo các phương pháp điều trị khả thi và dễ tiếp cận.

Các công ty như BioNTech, Moderna, CureVac... đang dẫn đầu trong phát triển vaccine ung thư mRNA, với nhiều dự án tiềm năng. Tuy nhiên, các vaccine này vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện và chứng minh hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng. Nổi bật có mRNA-4157 do Merck và Moderna nghiên cứu, được FDA (Mỹ), CE (châu Âu) chứng nhận điều trị bổ trợ u ác tính, có thể ra mắt 2025.

Thục Linh (Theo Tass, Bssnews)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022