Ngày 16/12, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết khoảng hai tuần trước ngày nhập viện, cô gái ở Đà Nẵng có biểu hiện rối loạn tâm thần, nói nhảm, được người nhà đưa đến bệnh viện tâm thần khám. Sau 6 ngày điều trị ngoại trú, cô xuất hiện cơn co giật ở tay và mặt, mỗi cơn kéo dài khoảng 30 giây/lần với tần suất từ vài phút đến vài tiếng.

Người bệnh nhập viện, sau 3 ngày tình trạng không cải thiện, ý thức chậm hơn, cơn co giật vẫn thường xuyên xảy ra nên được chuyển đến bệnh viện đa khoa thành phố. Kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy tổn thương não, bác sĩ điều trị theo phác đồ viêm não virus song không cải thiện nên chuyển bệnh nhân đến khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Lúc này bệnh nhân trong tình trạng rối loạn tâm thần, kích thích la hét, gọi hỏi không trả lời, co giật vùng mặt, tay và nửa người bên phải. Các bác sĩ xét nghiệm tầm soát viêm não tự miễn, điều trị với phác đồ corticoid liều cao, dùng thuốc chống động kinh. Sau 4 ngày, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm khẳng định mắc viêm não tự miễn.

Đây là tình trạng tổn thương nhu mô não bởi các tác nhân là kháng thể do cơ thể sản xuất. Bệnh viêm não tự miễn do kháng thể kháng NMDAR gây ra, lần đầu tiên được thế giới biết đến là năm 2007. Bệnh liên quan chủ yếu đến phụ nữ có u quái buồng trứng, với hơn 1.500 ca được báo cáo tính đến năm 2018. Còn viêm não tự miễn do nhiều loại kháng thể khác đến nay thế giới chỉ mới ghi nhận khoảng vài chục ca.

Bác sĩ siêu âm ổ bụng cô gái phát hiện khối u buồng trứng dài 10 cm. Êkíp cắt khối u, phát hiện kích thước thực lớn gấp hai lần trên siêu âm. Bác sĩ Phạm Thanh Bằng, Khoa Cấp cứu, nhận định chính khối u buồng trứng là nguồn khởi phát bệnh viêm não tự miễn. Sau khi cắt bỏ khối u và lọc huyết tương, bệnh nhân hết cơn co giật, không còn kích thích la hét, ý thức có cải thiện nhưng chưa nhiều.

9c3fe9a5bef603a85ae7-173432322-8531-3657-1734323302.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sexwwlQ_oqXkFy1nAdgZdQ

Bác sĩ điều trị bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các chuyên gia nhìn nhận số ca được báo cáo không phản ánh được hết tình hình bệnh này vì nhiều trường hợp không chẩn đoán ra. Tuy nhiên, để chẩn đoán được bệnh đòi hỏi rất nhiều ở năng lực của cơ sở y tế, trình độ và kinh nghiệm của bác sĩ. Một số nghiên cứu trên thế giới theo dõi phụ nữ mắc viêm não tự miễn NMDAR, cho thấy nhiều trường hợp ban đầu không phát hiện nhưng sau đó có u quái buồng trứng, có thể do lúc đầu u quá nhỏ chưa chẩn đoán được. Điều này khiến nhiều bệnh nhân bị tái phát viêm não sau khi chữa khỏi, do chưa phát hiện và xử lý triệt để nguồn gốc từ buồng trứng.

Viêm não tự miễn NMDAR thường khởi phát từ từ trong vòng ba tháng, triệu chứng là hay quên, thay đổi tinh thần hay rối loạn tâm thần. Bệnh nhân thường co giật không rõ nguyên nhân. Trong đó, 6 nhóm triệu chứng viêm não tự miễn là hành vi bất thường hay rối loạn nhận thức, rối loạn chức năng ngôn ngữ, co giật, rối loạn vận động hoặc động tác bất thường, rối loạn tri giác (lơ mơ, lú lẫn, hôn mê), rối loạn chức năng thực vật và thở nhanh.

Khi người mắc bệnh không được phát hiện bệnh sớm, nguy cơ tổn thương não sẽ nhiều hơn, di chứng để lại sau điều trị sẽ rất nặng nề. Nhiều bệnh nhân có thể như ý thức không hồi phục lại bình thường, xuất hiện những cơn co giật hoặc những cơn động kinh, một số chức năng hoạt động yếu.

Đến nay, thế giới chưa có sự thống nhất hoàn toàn về phác đồ điều trị bệnh này. Quá trình điều trị lâu dài, phức tạp, cần phải có những biện pháp can thiệp kỹ thuật cao như thở máy, lọc máu ngoài cơ thể, thay huyết tương, thuốc đắt tiền. Một số trường hợp phải phẫu thuật khối u (nếu có) để ngăn chặn nguồn tạo ra kháng thể NMDA.

Bác sĩ khuyến cáo sau quá trình điều trị, khối u buồng trứng có nguy cơ tái phát lại khá cao và sẽ gây ra một đợt viêm não tự miễn hoàn toàn mới. Chính vì vậy, với những phụ nữ trẻ tuổi cần tầm soát ung thư, u buồng trứng, tử cung, giun sán, ký sinh trùng định kỳ để phát hiện sớm nguồn bệnh.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022