Chàng trai bị cận từ năm lên 6 tuổi và bắt đầu sử dụng kính áp tròng ban ngày với độ cận -4 diop. Từ đó, anh thích đeo kính áp tròng nhưng chỉ sử dụng thường xuyên trong vòng một năm trở lại đây.

Bệnh nhân cho biết trước đây công việc chủ yếu là ở văn phòng nên việc tháo, rửa kính thực hiện dễ dàng. Tuy nhiên, từ hè năm ngoái, anh phải đi công trình nhiều hơn nên việc sử dụng kính áp tròng có nhiều bất tiện. Có lần khi đang lắp kính áp tròng vào mắt, kính rơi xuống đất, anh nhặt lên lắp lại vì không mang dự phòng kính gọng. Thậm chí, có những ngày về nhà không kịp tháo kính vệ sinh mắt nên bệnh nhân đeo kính áp tròng cả 24 giờ.

Gần đây, nam thanh niên thấy mắt xuất hiện vết xước, mắt nổi cộm, nhìn mờ, đến Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khám. Tại đây, bác sĩ kết luận anh bị viêm loét giác mạc dẫn đến mất thị lực. Trước mắt, cần điều trị để không ảnh hưởng đến cấu trúc mắt, sau đó phẫu thuật ghép giác mạc để lấy lại thị lực.

1-9401-1689491583.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=q2dkwATepJY2NmNhsjpDIw

Nguy cơ mù mắt khi đeo kính áp tròng sai cách. Ảnh:Freepik

Ngày 16/7, Ths.Bs Hoàng Thanh Nga, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết kính áp tròng mang nhiều tiện lợi nếu đeo đúng chỉ định, phương pháp và vệ sinh sạch sẽ. Song, bệnh nhân đeo không đúng chỉ định, ví dụ trên bề mặt nhãn cầu đang viêm nhiễm, đeo kính qua đêm, hoặc kính dùng một lần nhưng dùng nhiều lần, không ngâm rửa kính bằng nước chuyên dụng..., dễ dẫn tới nhiễm trùng. Kính áp tròng sẽ tiếp xúc trực tiếp lên bề mặt giác mạc, làm tổn thương lớp biểu mô bao phủ bên ngoài. Khi mất hàng rào bảo vệ, vi khuẩn dễ xâm nhập gây viêm.

"Dù có điều trị khỏi thì vẫn để lại sẹo, nặng sẽ gây mù lòa. Nếu bệnh nhân không kiểm soát được bằng thuốc, không có điều kiện để ghép giác mạc thì trường hợp nặng nhất là phải bỏ mắt", bác sĩ Nga nói.

Theo bà Nga, bệnh nhân này làm việc ngoài công trường xây dựng nhiều bụi bẩn. Khi đeo kính tiếp xúc, nước mắt không thể thực hiện cơ chế rửa trôi nên vi khuẩn dễ xâm nhập. Bên cạnh đó, thói quen thường xuyên đeo kính qua đêm làm tăng nguy cơ tổn thương trên biểu mô giác mạc. Ngay sau khi thấy vết xước, người bệnh không đi khám ngay, lâu dần mới dẫn tới tình trạng mất thị lực.

Hiện, nhiều bệnh nhân tự ý mua kính áp tròng trôi nổi bên ngoài, không đeo kính theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ hoặc nhà sản xuất, đặc biệt là các loại kính áp tròng đổi màu giúp đồng tử giãn to, đẹp hơn, gây nhiều biến chứng cho mắt. Khi sử dụng kính áp tròng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Mọi người không nên quá lạm dụng kính áp tròng mềm. Không nên sử dụng kính trên 12 tiếng mỗi ngày, không đeo kính khi đi ngủ hoặc đi tắm. Sử dụng nước chuyên dụng để làm sạch kính. Không sử dụng chung kính với người khác. Không nên tái sử dụng nhiều lần.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022