Nhiều người cho rằng lòng đỏ trứng gà màu cam đậm tốt cho sức khỏe hơn lòng đỏ màu vàng nhạt. Tuy nhiên, màu sắc lòng đỏ phụ thuộc vào chế độ ăn và lối sống của gà mái.
Lòng đỏ đậm màu thường phản ánh chế độ ăn giàu sắc tố thực vật như ngô, hoặc do gà được nuôi thả tự do, tìm kiếm côn trùng ngoài trời. Gà mái ăn ngô và đậu nành cho lòng đỏ màu vàng, trong khi gà ăn lúa mì có lòng đỏ vàng nhạt. Trứng gà công nghiệp, nuôi nhốt trong chuồng trại chật hẹp, ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, lòng đỏ cũng màu vàng.
Ngoài ra, tuổi, sức khỏe của gà và mùa đẻ trứng cũng ảnh hưởng đến màu sắc lòng đỏ. Một nghiên cứu trên Tạp chí Khoa học Gia cầm cho thấy, nhóm gà mái được bổ sung carotenoid có lòng đỏ nhạt màu hơn nhóm gà ăn thức ăn cơ bản. Để tăng doanh số, một số nhà sản xuất thương mại đã bổ sung chất tạo màu tự nhiên hoặc nhân tạo, như cúc vạn thọ hoặc ớt bột, vào thức ăn cho gà.
Do đó, quan niệm lòng đỏ đậm màu hơn đồng nghĩa với nhiều dinh dưỡng hơn không hoàn toàn chính xác. Gà mái ăn nhiều carotenoid hoặc thức ăn đa dạng có thể cho trứng giàu dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên, màu sắc lòng đỏ không phải lúc nào cũng phản ánh điều này.
Màu sắc không quyết định giá trị dinh dưỡng quả trứng. Ảnh: Eatthis
Trứng gà nói chung đều cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng bất kể màu sắc lòng đỏ. Trứng gà là nguồn cung cấp protein, chất béo; vitamin nhóm B, A, D, E và K; khoáng chất như canxi, sắt, iốt, selen, photpho, kẽm; choline; lutein và zeaxanthin.
Kích thước trứng cũng quan trọng, vì trứng lớn hơn chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn. Gà mái được cho ăn hạt lanh, dầu cá hoặc tảo có thể sản xuất trứng có hàm lượng axit béo omega-3 cao hơn một chút. Tuy nhiên, hàm lượng omega-3 trong trứng vẫn thấp hơn đáng kể so với các nguồn khác như cá thu, cá hồi, cá trích, cá cơm, hạt lanh xay, đậu nành Nhật Bản, hạt chia, dầu canola và quả óc chó.
So sánh giá giữa các kích cỡ trứng khác nhau có thể giúp người tiêu dùng tối ưu hóa giá trị dinh dưỡng. Do đó, bất kể màu sắc lòng đỏ bạn chọn là gì, hãy đảm bảo ăn đủ trứng mỗi ngày để có được đầy đủ dưỡng chất.
Mỹ Ý (Theo Times of India)