Các chuyên gia cho biết bố mẹ có thể ngồi và bế em bé hoặc đi lại từ 5 đến 8 phút, trước khi đưa bé đi ngủ, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology giữa tháng 9. Phương pháp này có tác dụng kể cả vào ban ngày.

Để đưa ra kết luận, nhóm nghiên cứu đã so sánh phản ứng của 21 trẻ sơ sinh trong 4 tình huống: được mẹ bế đi dạo, mẹ ngồi bế, nằm trong cũi và nằm khi được đưa nôi.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy trẻ đang khóc bình tĩnh lại, có nhịp tim ổn định trong vòng 30 giây sau khi được mẹ bế và đi lại. Tất cả trẻ sơ sinh đều ngừng khóc khi cha mẹ các em làm điều này. Một nửa trong số đó ngủ thiếp đi.

Tuy nhiên, khi các bà mẹ cố gắng đặt con trở lại giường và không ngồi cùng chúng, một phần ba số trẻ sơ sinh trở nên tỉnh táo trong vòng 20 giây. Nhịp tim của các em tăng lên, nhiều bé tiếp tục khóc khi được bế ngồi, không di chuyển. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng thời gian bế các bé và di chuyển hợp lý nhất là 5 đến 8 phút trước khi đặt con xuống giường.

Chuyển động đưa nôi cũng khiến nhịp tim của các em chậm lại, thể hiện sự thoải mái. Ngoài ra, thời gian ngủ trên tay mẹ càng lâu, các em càng ít tỉnh giấc khi được đặt xuống.

"Là mẹ 4 con, tôi vẫn rất ngạc nhiên khi thấy kết quả này. Ban đầu, tôi nghĩ rằng các bé thức giấc khi nằm xuống vì bị đặt lên giường sai cách, thiếu nhẹ nhàng hoặc sai tư thế (gây giật mình). Nhưng thử nghiệm này cho thấy điều đó là không đúng", tiến sĩ Kumi Kuroda, nhà nghiên cứu tại Trung tâm RIKEN về Khoa học Não bộ ở Nhật Bản, cho biết.

-7935-1663726782.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UjpZXctt50Wsk2L5oJDeGQ

Một bà mẹ đang bế và ru con ngủ. Ảnh: Freepik

Nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sơ sinh dễ thích ứng với các "phản ứng vận chuyển" như bế, ẵm và đi lại. Đây cũng là tập tính của nhiều động vật có vú khác. Con non thường cảm thấy bình tĩnh hơn khi được mẹ bế.

Dù rất khả quan, đây không phải cách duy nhất để giúp trẻ ngủ sâu. Viện Nhi khoa Mỹ cho biết cha mẹ có thể đặt con mình trên giường lúc các em đang buồn ngủ, không vội vàng dỗ con ngủ lại khi chúng vừa thức giấc.

Theo các chuyên gia, khoảng 20-30% trẻ sơ sinh quấy khóc và có biểu hiện khó ngủ mà không rõ lý do. Nhóm nghiên cứu cần thực hiện các phân tích chuyên sâu hơn để lý giải hiện tượng này và đưa ra các biện pháp tức thì cho cha mẹ.

"Giống như việc rèn luyện thể lực dựa trên khoa học, chúng ta có thể nuôi dạy trẻ dựa trên khoa học, hy vọng các phương pháp mới giúp trẻ ngủ ngon, giảm căng thẳng cho cha mẹ có con quấy khóc nhiều. Chúng ta cần dùng khoa học để hiểu rõ các hành vi của một đứa trẻ, bởi nó phức tạp và đa dạng hơn ta tưởng rất nhiều", tiến sĩ Kuroda nhận định.

Thục Linh (Theo USA Today)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022