Dây thuốc cá, còn gọi dây mật, dây ruốc cá, tên khoa học là Millettia pachyloba Drake, được sử dụng làm thuốc trừ sâu. Người dân thường lấy thân, rễ cây đập dập, ngâm trong ao, hồ, suối làm cá bị say, để đánh bắt. Lý do cây này chứa hoạt chất rotenon, có tính độc, thường dùng liều nhẹ để cá ngoi lên mặt nước, giúp việc đánh bắt trở nên dễ dàng hơn.

Ngày 25/2, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn thông tin, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đã được đặt ống nội khí quản và dùng thuốc chống sốc ở tuyến dưới, da lạnh, rải rác vân tím toàn thân, đồng tử hai bên giãn.

Cách vào viện khoảng 4 giờ, người bệnh ăn nhầm quả dây thuốc cá, không rõ số lượng và trong hoàn cảnh nào. Bác sĩ chẩn đoán ngộ độc quả dây thuốc cá giờ thứ 4, suy đa tạng, xử trí rửa dạ dày cấp cứu, lợi tiểu, thở máy, lọc máu cấp cứu, lọc hấp phụ độc chất.

Sau hai ngày, bệnh nhân hôn mê cải thiện, thở đều theo máy, không kích thích, không co giật, da hồng, ấm, đồng tử hai bên đều, xét nghiệm hết suy gan, thận, đã dừng thuốc vận mạch. Mặc dù tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt, nhưng diễn biến còn phức tạp, cần điều trị hồi sức tích cực liên tục để tránh suy đa tạng.

2f23b91bc1e11bbf42f0-167729505-3230-2832-1677295257.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GcCN27veOaG42v-l5PpaMA

Quả dây thuốc cá. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tại Việt Nam, rất ít trường hợp báo cáo ngộ độc cây dây thuốc cá, đặc biệt là ngộ độc từ quả. Độc tính của cây còn mới, chưa nhiều nghiên cứu sâu nên chưa có chất giải độc đặc hiệu, người ngộ độc đa phần tử vong.

Theo các bác sĩ, do quả dây thuốc cá gần giống với các loại quả ăn được như hạt dẻ, quả mề gà nên rất dễ gây nhầm lẫn. Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên cất trữ cây dây thuốc cá trong nhà và tuyệt đối không sử dụng loại cây này để làm thuốc chữa bệnh.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022