Sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định ngừng cấp vốn cho USAID - Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ- cảnh tượng hỗn loạn xuất hiện ở nhiều quốc gia. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh và nạn đói, cùng tác động nghiêm trọng trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình và giáo dục nữ sinh.

Năm 2023, USAID quản lý hơn 40 tỷ USD tiền viện trợ. Đến đầu năm nay, Trump giao cho Elon Musk việc thu hẹp hoạt động của cơ quan này. Trước đó, vị tỷ phú đã cáo buộc USAID là một tổ chức "tội phạm". Ngay sau khi Musk tuyên bố USAID "phải chết" và điều các giám sát viên DOGE tới kiểm tra trụ sở USAID ở Washington, khoảng 600 nhân viên tổ chức cho biết họ không thể truy cập hệ thống máy tính cơ quan. Website USAID cũng ngoại tuyến từ chiều 1/2 mà không có thông báo giải thích.

Một cựu quan chức cao cấp của USAID mô tả động thái của Musk như một sự kiện "tuyệt chủng" đối với ngành nhân đạo quốc tế. Theo các chuyên gia, tác động của quyết định đến ngành viện trợ thế giới rất sâu sắc, có thể diễn ra tức thì, bởi Mỹ chiếm 4 trong mỗi 10 USD chi tiêu toàn cầu cho viện trợ nhân đạo.

USAID đóng cửa ngay lập tức trở thành đòn giáng vào kho chứa thuốc quan trọng ở Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Phân tích cho thấy hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái có khả năng tử vong do biến chứng trong thai kỳ và sinh nở.

Tại Bangladesh, Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Tiêu chảy Quốc tế đã sa thải một số nhà khoa học uy tín thế giới làm việc trong chương trình sốt rét. Tại châu Phi, các chương trình kiểm soát sốt rét ở Uganda buộc phải áp dụng biện pháp hà khắc tương tự, với báo cáo hàng chục dự án quan trọng về chăm sóc tuyến đầu đã bị ngừng lại.

Ở Johannesburg, các dự án dựa vào tài trợ hơn 20 năm từ chương trình phản ứng HIV/AIDS của Mỹ, có tên Pepfar, cũng chung số phận. Pepfar cung cấp thuốc kháng virus cho 20 triệu người nhiễm HIV trên toàn cầu, đồng thời tài trợ bộ dụng cụ xét nghiệm và vật tư y tế phòng ngừa cho hàng triệu người khác.

"Đây là vấn đề sống còn", Beatriz Grinsztejn, chủ tịch của Hiệp hội AIDS quốc tế cho biết, thêm rằng việc dừng Pepfar sẽ là "thảm họa". Ông lo ngại động thái của Mỹ sẽ khiến HIV bùng phát.

Brian Aliganyira, người điều hành phòng khám sức khỏe cho cộng đồng LGBT+ tại Kampala, Uganda, cho biết lệnh của ông Trump đã khiến nguồn cung bị đình trệ. Cơ sở của ông chủ yếu cung cấp xét nghiệm HIV dựa vào tài trợ của Pepfar.

4290-1738814247-1738814267-1362-1738814367.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=a0NY_dJBgcHq7cuOIZKMTg

Học sinh được tiêm vaccine tại một trường học ở Liberia. Ảnh: EPA-EFE

Asia Russell, giám đốc điều hành của Health Gap, một nhóm vận động cho bệnh nhân HIV, chia sẻ các phòng khám trên toàn thế giới đang phải đối mặt với tình trạng tương tự. Theo bà, lệnh đóng cửa kéo dài đồng nghĩa nhiều nơi "ngừng cung cấp dịch vụ điều trị và chẩn đoán HIV, nhân viên bị sa thải, phòng khám đóng cửa, hoạt động tiếp cận thuốc bị thu hẹp".

"Hàng triệu người trên toàn cầu sẽ chịu hậu quả sống còn, khi các chương trình phụ thuộc nguồn tài trợ bị đình trệ mà không có kế hoạch, mạng lưới an toàn. Các chuyên gia không thể làm việc mà không biết nguồn tài trợ sẽ đến khi nào, khoảng bao nhiêu", Abby Maxman, chủ tịch Oxfam America, cho biết.

Tiến sĩ Atul Gawande, trợ lý quản trị viên về sức khỏe toàn cầu tại USAID dưới thời Joe Biden, nhận định quyết định đóng cửa USAID gây ra "thiệt hại nghiêm trọng cho thế giới và cả Mỹ". Theo ông, ngoài các chương trình phòng chống HIV, nó ảnh hưởng đến công tác đẩy lùi bệnh truyền nhiễm chết người như virus Marburg ở Tanzania hay đậu mùa khỉ ở Tây Phi.

Nỗ lực giám sát sự lây lan cúm gia cầm, xóa bỏ bại liệt, bệnh nhiệt đới như sốt mò, giun chỉ bạch huyết cũng có thể bị đình trệ. Các dịch vụ y tế cho phụ nữ mang thai và tiêm chủng trẻ em cũng ảnh hưởng. Chiến dịch One ước tính, 3 triệu trẻ em có nguy cơ cao mắc sốt rét nếu sáng kiến phòng chống sốt rét của Mỹ ngừng hoạt động trong 90 ngày. Nghiên cứu từ Viện Guttmacher tiết lộ, 11 triệu phụ nữ và trẻ em gái sẽ bị từ chối quyền tiếp cận chăm sóc tránh thai trong suốt thời gian dừng cấp viện trợ. Ước tính, 8.340 người có thể tử vong do biến chứng trong thai kỳ và sinh nở.

Thomas Byrnes, người điều hành công ty tư vấn chuyên về lĩnh vực nhân đạo, cho biết lệnh ngừng hoạt động USAID đột ngột có tác động khắc nghiệt, sâu rộng, vì hệ thống toàn cầu phụ thuộc vào nguồn tài trợ của Mỹ. Nước này cung cấp 42,3% viện trợ toàn cầu, theo Liên Hợp Quốc. Quyết định "chưa từng có" buộc các tổ chức phải dừng chương trình tế, nhân đạo đột ngột, gây tổn thương cho nhóm dân số yếu thế, theo ông Byrnes.

USAID được Tổng thống Mỹ John F. Kennedy thành lập vào năm 1961 theo Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài. Nó kết hợp các tổ chức, chương trình hỗ trợ nước ngoài của Mỹ thành một đơn vị độc lập, nhằm "cung cấp viện trợ tới các quốc gia đang phục hồi sau thảm họa, tìm cách thoát đói nghèo và thúc đẩy cải cách dân chủ".

Thục Linh (Theo Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022