"Các trận động đất tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria có thể đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đứa trẻ", ông James Elder, người phát ngôn của UNICEF, nói hôm 7/2.
Tuy nhiên, tổ chức này chưa thể xác định chính xác số trẻ em tử vong.
"Trận động đất xảy ra vào sáng sớm, khi nhiều trẻ em đang ngủ say, càng khiến nó nguy hiểm hơn. Các dư chấn kéo theo những rủi ro liên tục. Trái tim và tâm trí của chúng tôi hướng về trẻ em và các gia đình bị ảnh hưởng. Ưu tiên trước mắt của chúng tôi là đảm bảo trẻ em và người thân các em được hỗ trợ khi cần", giám đốc điều hành UNICEF, bà Catherine Russell, cho biết.
Theo tổ chức, thiệt hại đối với trường học, bệnh viện, cơ sở y tế và giáo dục khác có thể sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến cuộc sống của trẻ em. Các em tiếp tục đối mặt với một trong những tình huống nhân đạo phức tạp nhất thế giới sau hơn một thập kỷ xung đột và khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.
UNICEF cho biết các bệnh lây truyền qua đường nước, trong đó có dịch tả, khiến trẻ em rơi vào tình trạng đặc biệt dễ tổn thương.
Công tác giải cứu nạn nhân của trận động đất mạnh hơn 7,8 độ tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp diễn. Đến nay, giới chức đã ghi nhận khoảng 21.000 người thiệt mạng và 13 triệu người khác bị ảnh hưởng. Mỗi giây phút trôi qua, cơ hội sống sót của các nạn nhân dần hẹp lại.
Tuy nhiên, trong suốt ba ngày, vẫn có nhiều sinh linh nhỏ bé vượt qua thảm họa một cách kỳ diệu.
Ngày 8/2, đội cứu hộ đã giải cứu Muhammed Dogan Bostan, bé trai hai tháng tuổi tại khu phố Saraykent thuộc quận Elbistan của Kahramanmaras - một trong hai tâm chấn của trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ. Khi được đưa ra ngoài, bé Bostan vẫn đang mút tay, trên cơ thể có một vài vết thương nhẹ. Hiện em đã được đưa tới bệnh viện để theo dõi. Mẹ em cũng được giải cứu và đưa tới một bệnh viện lân cận.
Cùng ngày, một bé sơ sinh đã đã ra đời kỳ diệu dưới những tòa nhà bị sập sau trận động đất ở Syria. Đây cũng là người duy nhất trong gia đình sống sót. Những thành viên còn lại đều đã thiệt mạng. Theo truyền thông địa phương, mẹ của bé gái đã di tản từ khu vực Deir Ezzor, phía đông Syria.
Cũng tại thành phố Kahramanmaras, tờ Al Jazeera tường thuật lực lượng cứu hộ giải cứu một bé gái 14 tuổi mắc kẹt dưới đống đổ nát hơn 40 giờ. Khi được đưa ra ngoài, điều đầu tiên em nói là: "Xin hãy cứu cả cha cháu". Cha cô bé sau đó cũng được kéo khỏi đống đổ nát ngay trong đêm.
Tại một ngôi làng nhỏ ở Haram, Syria, đội cứu hộ giải cứu hai chị em Mariam và Ilaaf bị kẹt giữa đống bê tông. "Đưa con khỏi đây, con sẽ làm bất cứ điều gì", cô bé Mariam thì thầm với những người cứu hộ.
Đoạn video ghi lại hình ảnh Mariam nhẹ nhàng vuốt tóc trên đầu em trai khi cả hai nằm chồng lên nhau dưới các lớp bê tông nứt vỡ. Cô bé di chuyển cánh tay vừa đủ để che mặt cho em, giúp bảo vệ cậu bé khỏi bụi bẩn và các mảnh vỡ. Video cho thấy người dân địa phương hò reo khi cả hai được mang ra khỏi đống đổ nát, bọc trong chăn. Hai chị em đã được đưa đến bệnh viện để chăm sóc y tế.
Bé gái Mariam đang che chắn cho em trai khi cả hai bị kẹt dưới đống đổ nát trong trận động đất tại Syria, ngày 8/2. Ảnh: CNN
Trong các thảm họa động đất, nhiều nạn nhân đã sống sót dưới đống đổ nát sau nhiều tuần, thậm chí hàng tháng, nhờ nguồn không khí, nước uống và nhiệt độ.
Theo Julie Ryan, điều phối viên của nhóm Cứu hộ Quốc tế (IRC) có trụ sở tại Anh, trong các tình huống bị mắc kẹt, điều quan trọng nhất là cần tiếp cận được nguồn oxy và nước. Nhiệt độ cũng là yếu tố mật thiết. Nếu khu vực bị mắc kẹt quá nóng, các nạn nhân có thể bị mất nước nhanh hơn, làm giảm hy vọng sống sót.
Chân tay và các bộ phận của nạn nhân rất có thể bị đống đổ nát đè nén, gây sưng cơ hoặc rối loạn thần kinh. Tình trạng này được gọi là "hội chứng đè bẹp". Nó có thể gây tử vong, suy thận hoặc sốc, cần được hỗ trợ y tế ngay lập tức.
Theo các chuyên gia, ở hoàn cảnh lý tưởng nhất, người gặp nạn có thể sống sót trong vòng một tuần. Các yếu tố quyết định sự sống bao gồm vết thương của họ, tình trạng không khí, sự khắc nghiệt của thời tiết. Khoảng thời gian quan trọng để giải cứu nạn nhân là 24 giờ sau thảm họa. Sau đó, cơ hội sống sót giảm đi mỗi ngày.
Thục Linh (Theo CNN, Aljazeera)