32 bệnh nhi có biểu hiện ngộ độc do uống nhầm hoá chất diệt chuột đã được chuyển từ Tuyên Quang đến Bệnh viện Bạch Mai chiều tối 22/1. Các em hầu hết là học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 trường Tiểu học Phú Bình, Thành phố Tuyên Quang.

Qua mô tả hình dáng ống siro các bệnh nhi uống có đặc điểm giống hóa chất diệt chuột xuất xứ Trung Quốc phổ biến với hoạt chất là fluoroacetate.

loai-1737725326375-17377253273891909910333.jpg

Loại "siro đỏ" gây ngộ độc cho các bệnh nhi (Ảnh BV cung cấp)

Một phụ huynh đang chăm con tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, con gái lớp 2 của mình có uống khoảng 1 - 2 giọt từ bạn chia cho, khi ngửi những giọt này có mùi thơm như siro kẹo, nhưng khi uống thấy đắng nên đã nhổ đi. Một số phụ huynh khác sau khi đưa con vào Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ, khi con đi học về có biểu hiện đau bụng, có cho uống thuốc giảm đau và gặng hỏi nhưng con không nói. Cho đến khi cô giáo chủ nhiệm gọi điện thông báo, thì gia đình vội vàng đưa con đi viện kiểm tra. Lúc này con mới nói rằng có uống khoảng 2 giọt “siro màu đỏ”.

Thông tin khai thác được từ các học sinh cũng cho thấy, sáng ngày 21/01/2025 có một học sinh sang đồi chè sát cạnh trường Tiểu học Phú Bình để chơi và tìm thấy một túi có chứa rất nhiều ống nhựa chứa dung dịch màu đỏ, có cả ống màu xanh. Học sinh này đã lấy một ống mang về trường và rủ một bạn uống. Sau đó, các trẻ khác cũng sang đồi chè và lấy các ống này về trường. Một cháu khác cho biết, đã nhặt được một túi chứa nhiều ống màu đỏ từ bụi cây bên trong cổng trường và lấy uống.

Hầu hết các trẻ chia nhau uống trong buổi chiều ngày 21/1.

cacbacsitrungtamnhikhoavatrungtamchongdoctaptrungtichcuccapcuucho32benhnhingodocthuocdietchuot-anhbvcungcap-1737725328497-17377253286251446378816.jpg

Các bác sĩ Trung tâm Nhi khoa và Trung tâm Chống độc tập trung, tích cực cấp cứu cho 32 bệnh nhi ngộ độc thuốc diệt chuột (Ảnh BV cung cấp)

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có 7 cháu uống mức độ đáng kể, mỗi cháu từ 1/3 đến 1 ống màu đỏ, có triệu chứng đau đầu, nôn, chóng mặt và đây là những bệnh nhi có nguy cơ cao nhất bị ngộ độc nặng. Các trẻ còn lại uống từ 1-3 giọt. Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, một cháu có tình trạng co giật, 2 cháu bị tổn thương não trên phim cộng hưởng từ, một số cháu có dấu hiệu ảnh hưởng chức năng tim. Tất cả các cháu đang tỉnh táo, vẫn chơi và đều đang được theo dõi sát cũng như điều trị theo phác đồ. Việc tiên lượng sẽ tùy thuộc diễn biến tiếp theo, ít nhất phải sau vài ngày đầu mới rõ.

Ngoài 32 học sinh đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai còn có 5 học sinh đã nhập Bệnh viện Nhi trung ương ngày 21/01 và tất cả đã có kết quả xét nghiệm nước tiểu dương tính với hóa chất diệt chuột fluoroacetate từ Viện Pháp Y quốc gia.

tsbsnguyenthanhnamgiamdoctrungtamnhikhoavatsbsnguyentrungnguyen-giamdoctrungtamchongdocthamkhamchotungbenhnhi-anhbvcungcap-1737725329686-173772532989033525647.jpg

TS. BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa và TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc thăm khám cho từng bệnh nhi (Ảnh BV cung cấp)

Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi Trung ương đang tập trung mọi nguồn lực, tích cực cấp cứu, khẩn trương hội chẩn để đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho 37 bệnh nhi ngộ độc thuốc diệt chuột.

Trung tâm Chống độc và Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) đã hướng dẫn đại diện trường tiểu học Phú Bình (Tuyên Quang) liên hệ các trường bên cạnh cùng rà soát nguy cơ còn sót các ống hóa chất diệt chuột hoặc các hóa chất khác trong khuôn viên nhà trường; Đồng thời tìm kiếm tất cả các cháu đã uống nhầm các loại hoá chất này đưa vào cơ sở y tế địa phương để theo dõi; Thông báo cơ quan chức năng để điều tra nguyên nhân và đảm bảo không bỏ sót các chất độc khác, ngoài hoá chất diệt chuột.

cacbenhnhiduocdieutritaitrungtamchongdocbenhvienbachmai-anhbvcungcap-1737725332982-17377253331611226479306.jpg

Các bệnh nhi được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh BV cung cấp)

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai “Cách đây gần 2 tháng, cũng có nhiều trẻ sử dụng hóa chất diệt chuột tại một trường mầm non ở tỉnh Lai Châu, vì tưởng nhầm là kẹo”. Điều đáng nói là những loại hóa chất diệt chuột này đã bị cấm ở Việt Nam nhiều năm, nhưng đã xuất hiện trở lại vài năm gần đây dưới dạng bán rong, bán trên mạng, thậm chí đang được bán chui tại một số cửa hàng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022