Kết quả là họ đã tin, mua dùng mà không biết mình có thể gặp họa.
Chọn sản phẩm vì được quảng cáo trên MXH bởi tài khoản "uy tín" vì... có nhiều người theo dõi
Thời gian gần đây, "sữa cỏ" Yarmy được quảng cáo bởi Tiktoker Y.C có hơn 6 triệu người theo dõi giúp tăng cân nhanh, được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Mỗi bài đăng của Tiktoker Y.C thu hút hàng nghìn người xem. Loại sữa này được quảng cáo giúp tăng cân nhanh, hiệu quả trong khi giá cực kỳ rẻ, đi kèm nhiều ưu đãi, quà tặng hấp dẫn như gần 500 nghìn đồng mua được 2 hộp (mỗi hộp 900g), công dụng tăng cân ngoài sự mong đợi... Từ những lời quảng cáo "có cánh", cộng với ưu đãi hấp dẫn, nhiều người tiêu dùng đã tin sản phẩm này thực sự ngon - bổ - rẻ và mua dùng.
"Sữa cỏ" được quảng cáo giúp tăng cân nhanh, hiệu quả với giá cực kỳ rẻ, đi kèm nhiều ưu đãi, quà tặng hấp dẫn nhưng có nhiều phản hồi không tốt từ người dùng. (Ảnh chụp màn hình)
Thế nhưng cũng chính trong thời gian gần đây, sữa tăng cân Yarmy bị nhiều người trải nghiệm cũng như giới chuyên gia lên tiếng là sản phẩm không đảm bảo sức khỏe. Người ta bắt đầu phát hiện ra sản phẩm "sữa tăng cân" này có nhiều thông tin mập mờ, nhập nguyên liệu từ nước ngoài, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, nhất là khâu an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Sữa cỏ tăng cân" Yarmy được quảng cáo là có chứng nhận bởi FDA, thậm chí in hẳn cả logo của FDA trên vỏ hộp. Thế nhưng, đại diện Hiệp hội sữa cho biết, trong số các thành viên của Hiệp hội mới chỉ có 2 doanh nghiệp sữa lớn có chứng nhận FDA để xuất khẩu sữa sang Hoa Kỳ, không có dòng sữa Y. nói trên. Hơn nữa, FDA không cho phép doanh nghiệp in logo của họ trên nhãn hàng hóa.
Sữa Yarmy được quảng cáo là được chứng nhận bởi FDA, thậm chí in hẳn cả logo của FDA trên vỏ hộp.
Khi "tham quan" dây chuyền sản xuất sữa này được quảng cáo, có một điều dễ nhận thấy là "khách ra vào không cần bảo hộ lao động, không khẩu trang, trang thiết bị hiện đại cần tới cả giẻ lau. Thậm chí, nhân viên mặc cả quần đùi nhảy nhót trong khu vực sản xuất, không đi giày dép bảo hộ trong quá trình sản xuất mà xỏ giày thường đi ngoài đường, tóc xõa ra, nhiều người không có mũ đội tóc...". Trong khi sản xuất thực phẩm, nhất là sữa, đòi hỏi điều kiện vô trùng cực kỳ cao thì liệu những điều này có thể đảm bảo tiêu chí vô trùng cho sản phẩm?!
Nhân viên mặc cả quần đùi nhảy nhót trong khu vực sản xuất, không đi giày dép bảo hộ trong quá trình sản xuất...
Từ những thông tin liên quan đến "sữa cỏ" do Tiktoker Y.C quảng cáo rầm rộ được "vạch trần", nhiều người bắt đầu ngã ngửa, hốt hoảng vì lỡ trao niềm tin vào sản phẩm mà hóa ra chất lượng chưa chắc được đảm bảo.
Câu chuyện "tranh thủ sự uy tín" của bản thân để quảng cáo sản phẩm trên các nền tảng xã hội không còn xa lạ. Trong đó, không ít trường hợp đã quảng cáo "bất chấp", kể cả khi bản thân không hiểu hết hoặc hiểu sai cả về bản chất của sản phẩm, để rồi gây hiểu lầm, thậm chí cả nguy hiểm cho người tiêu dùng nếu dùng sai. Kết quả là, không ít người, kể cả người nổi tiếng đã phải lên tiếng xin lỗi công chúng vì sai lầm này của mình.
Chọn sản phẩm vì... có vẻ "có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng"
Nhiều người tin rằng, sản phẩm được ghi rõ nguồn gốc sản xuất (nơi sản xuất) thì đáng tin cậy, đảm bảo chất lượng vì đã được... kiểm chứng. Thế nhưng, thực tế, những địa chỉ sản xuất được in vào sản phẩm liệu có phải lúc nào cũng là thật?
Một phóng sự của VTV đã phản ánh tình trạng "địa chỉ ma" trên một số sản phẩm sữa đang được tiêu thụ trên thị trường.
Theo đó, nhóm phóng viên tìm đến các địa chỉ được in trên một số sản phẩm sữa trên thị trường. Thế nhưng, khi đến nơi thì địa chỉ đó chỉ là nơi ở của các hộ gia đình hoặc tổ chức khác chứ không phải cơ sở sản xuất sữa. Liên hệ với số điện thoại trên website của công ty cũng không liên lạc được.
Có thể thấy, nếu chỉ nhìn bề ngoài thôi, người tiêu dùng sẽ tin tưởng mà mua các hộp sữa này, bởi trên vỏ hộp sữa có đầy đủ tên công ty chịu trách nhiệm phân phối hay là công ty sản xuất. Thế nhưng, trong thực tế, những công ty, đơn vị sản xuất này chỉ ra những công ty "ma", không thể tìm thấy.
Thực tế, những địa chỉ sản xuất được in vào sản phẩm liệu có phải lúc nào cũng là thật?
Chọn sản phẩm vì... có người "bảo trợ"
Không những thế, có những sản phẩm còn sử dụng bác sĩ đã nghỉ việc để làm "đại diện" cho mình. Sữa tăng cân Yarmy là một trong số đó. Tại nhiều trang mạng xã hội, hãng sữa Yarmy liên tục dùng hình ảnh của một bác sĩ giới thiệu là nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hòa Bình để quảng cáo sữa. Trong khi đó, đại diện Bệnh viện cho biết vị bác sĩ này đã nghỉ làm tại đây gần 20 năm.
Thậm chí, trên vỏ hộp sữa Yarmy còn dòng chữ "Được nghiên cứu và phát triển bởi các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu của Viện công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội" - nghe rất đáng tin cậy. Thế nhưng, thực tế, tại đây không có Viện Công nghệ thực phẩm, mà chỉ có Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm. Đơn vị này cũng không có hợp tác gì với nhãn sữa Yarmy.
Tất cả những "chi tiết" này được thêm vào khi quảng cáo sản phẩm để tăng lòng tin, tăng sự an tâm cho khách hàng. Thế nhưng, có bao nhiêu người có thể kiểm tra được những thông tin đó là chính xác hay không? Để rồi khi phát hiện tất cả chỉ là giả, mọi người mới "ngã ngửa" vì bị lừa.
Chọn sản phẩm vì ham... khuyến mại, giá rẻ
Trong cuộc sống, người tiêu dùng Việt có thói quen chọn sản phẩm dựa vào những lời quảng cáo. Đánh vào tâm lý đó, "chiêu trò" khuyến mại, giảm giá cũng được nhiều nhãn hàng áp dụng.
Đơn cử như dòng sữa tăng cân Yarmy, trong các livestream bán hàng, giá niêm yết là 495 nghìn đồng/hộp, nhưng hot tiktoker vẫn sẵn sàng giảm giá tới hơn 50%.
Sữa tăng cân quảng cáo là được FDA chứng nhận, lại giảm giá hơn 50% - chiêu thức này đánh đúng vào tâm lý muốn mua hàng "ngon - bổ - rẻ" của người tiêu dùng. Kết quả là hàng nghìn người nhanh tay đặt mua.
Không chỉ có sữa Yarmy, một dòng sữa tăng cân khác có tên là Hogi Milk cũng được quảng cáo rầm rộ cùng chiêu trò giảm giá. Mặc dù được bán với giá dao động từ 120.000 - 130.000 đồng/hộp tùy từng đại lý nhưng nếu mua từ 6 thùng thì chỉ có giá 55.000 đồng cho hộp 400g và 90.000 đồng cho hộp 900g.
Chỉ với mấy chục nghìn đồng đã mua được một hộp sữa rất to (900g), lại còn có rất nhiều công dụng cho sức khỏe thì liệu chất lượng có được như quảng cáo cũng là một câu hỏi cần đặt ra.
"Không phải sản phẩm nào cũng đạt chuẩn hoàn toàn như quảng cáo đưa ra"
"Không phải sản phẩm nào cũng đạt chuẩn hoàn toàn như quảng cáo đưa ra. Đã là quảng cáo, người ta có thể nói quá về sản phẩm để thu hút người mua miễn là trong phạm vi cho phép. Người tiêu dùng thông thái phải tỉnh táo, biết điều gì nên tin, điều gì không nên tin, tránh bị đánh lừa đáng tiếc bởi những quảng cáo sai sự thật, quảng cáo phóng đại khác xa hoàn toàn tính năng của sản phẩm", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Sinh học Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định.
Bên cạnh đó, để lựa chọn sản phẩm chất lượng, an toàn sức khỏe, tránh tin theo quảng cáo thổi phồng, sai sự thật, người tiêu dùng cần lưu ý:
- Nên chọn các sản phẩm ít qua chế biến nhất có thể, càng thuận tự nhiên càng tốt.
- Sản phẩm bắt buộc phải có giấy tờ lưu hành hợp pháp, giấy kiểm nghiệm chất lượng đạt chuẩn...
- Lựa chọn những nhãn hàng lớn, có thâm niên nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh.
Chuyên gia nhấn mạnh, người dân cần nâng cao kiến thức về sức khỏe nói chung, hiểu về bản chất thứ mình đang quan tâm, có tư duy phản biện. Lúc đó những quảng cáo phóng đại hoặc sai sự thật chắc chắn không thể qua mặt chúng ta.