Kể từ khi Bệnh viện Ram Manohar Lohia (RMLH) của bác sĩ Ajay Chauhan mở phòng khám sốc nhiệt vào cuối tháng 5, nơi này đã điều trị tích cực cho hơn 40 người, 7 ca tử vong. Phần lớn là nam giới làm việc ngoài trời trong các nhà máy nhỏ, điều kiện tồi tàn, phải chịu đựng nhiệt độ cực cao.

"Đây là đợt nắng nóng chưa từng có. Trong 13 năm làm việc ở đây, tôi không nghĩ mình từng phải ký giấy chứng tử vì say nắng. Năm nay, tôi đã ký đến mấy giấy rồi", ông Chauhan, nói.

Phòng khám RMLH là cơ sở đầu tiên tại Ấn Độ chuyên điều trị bệnh nhân gặp vấn đề do nắng nóng. Nỗ lực cứu bệnh nhân say nắng nhấn mạnh thách thức do tình trạng khẩn cấp về khí hậu và sức khỏe gây ra. Vài ngày trước, một người đàn ông nhập viện với thân nhiệt vọt lên 42 độ C. Ở nhiệt độ này, cơ thể người bắt đầu ngừng hoạt động, các tế bào tổn hại và có nguy cơ suy nội tạng. Mồ hôi tụ trên da, khiến da lạnh và ẩm ướt.

Tại phòng khám, các bác sĩ ngâm bệnh nhân vào bồn nước có đá, dung tích 250l, nhiệt độ từ 0 đến 5 độ C. Phòng khám được trang bị hai bể tắm, một máy làm đá nặng 200 kg, nhiệt kế trực tràng, hộp đá. Bệnh nhân mất khoảng 25 phút để hạ nhiệt, bắt đầu hồi phục khi được chuyển về phòng điều trị tiếp theo.

"Giảm nhiệt cơ thể sớm sẽ cứu mạng bệnh nhân. Mỗi giây đều giá trị", tiến sĩ Chauhan nói. Sự chậm trễ có thể gây tử vong hoặc khiến bệnh nhân chảy máu, tổn thương gan thận.

Anjana Kumari là vợ của một công nhân nhập viện tại RHML vì say nắng. Cô cho biết chiếc quạt duy nhất trong khu nhà ổ chuột không hoạt động vì bị cắt điện. Chồng cô kiệt sức vì làm việc cả ngày, không thể ngủ được, sau đó lên cơn co giật, nôn mửa và tiêu chảy. Cô đưa anh đến bệnh viện vào ban đêm.

"Các bác sĩ nói với tôi rằng anh ấy không thể đi lại trong một thời gian, cần được chăm sóc nhiều", cô nói.

e4f5213a008819de741cf5ef9b24e8-7736-9287-1718995542.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7glZgcco00MuHtlaT-FowA

Tại phòng khám điều trị đột quỵ do nắng nóng ở Delhi, bệnh nhân được ngâm vào bồn chứa nước đá. Ảnh: AFP

Delhi đang quay cuồng trong đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ hàng ngày vượt quá 40 độ C kể từ tháng 5, có lúc đạt đỉnh gần 50 độ C. Độ ẩm và gió làm tăng thêm sức nóng, cộng với tình trạng thiếu nước và mất điện do nhu cầu tăng vọt. Nhiều người tử vong vì nắng nóng, các báo cáo trên phương tiện truyền thông ghi nhận ít nhất 50 ca tử vong vì các bệnh liên quan thời tiết. Theo giới chuyên gia, Ấn Độ đang hứng chịu một trong những đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.

Sốc nhiệt, hoặc đột quỵ do nhiệt, là bệnh nghiêm trọng nhất, được xác định bằng ba dấu hiệu chính: tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm cao, nhiệt cơ thể từ 40,5 độ C trở lên, có những thay đổi về tinh thần như lú lẫn nhẹ, suy giảm ý thức. Đột quỵ do nhiệt cũng là kẻ giết người thầm lặng, nạn nhân bắt đầu đổ bệnh vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia Ấn Độ gọi đây là tình trạng "đe dọa tính mạng", với tỷ lệ tử vong là 40-64%.

Bên cạnh đó, người dân Delhi dễ bị ốm, vì cuộc sống khó khăn. Một phần ba cư dân sống trong những ngôi nhà không đạt tiêu chuẩn. Hơn 6.400 khu ổ chuột của thành phố, nơi sinh sống của hơn một triệu hộ gia đình không được làm mát đầy đủ, phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sinh kế theo mùa. Đàn ông đổ bệnh khi làm việc ngoài trời, phụ nữ ốm sau khi ở trong bếp thời gian dài, nấu ăn bằng bếp truyền thống. Vào đỉnh điểm mùa hè, thành phố biến thành một lò thiêu, người dân mắc kẹt giữa cái nóng thiêu đốt từ trên cao và mặt đất.

Những người làm việc ngoài trời bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong cuộc khảo sát mới nhất về tác động của nhiệt do Greenpeace thực hiện, phần lớn tình nguyện viên cho biết họ gặp các vấn đề về sức khỏe. Phổ biến nhất là khó chịu, tiếp đến là đau đầu, mất nước, cháy nắng, mệt mỏi và chuột rút cơ bắp. Hầu hết phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế do thiếu tiền.

Trên khắp Ấn Độ, người dân cũng đổ bệnh. Cuộc khảo sát toàn quốc của Trung tâm Thông tin Nhanh (CRI) cho thấy 45% hộ gia đình có ít nhất một thành viên trong gia đình ốm vì nắng nóng vào tháng 5. Hơn 65% có thành viên gia đình ốm kéo dài hơn 5 ngày. Tác động nhiệt là nghiêm trọng nhất đối với những người thu nhập thấp.

Khoảng ba phần tư số công nhân Ấn Độ làm các công việc tiếp xúc với nhiệt như xây dựng và khai thác mỏ. Điều này trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn dưới nắng nóng.

Theo số liệu chính thức, các đợt nắng nóng giết chết hơn 25.000 người từ năm 1992 đến năm 2019. Do Ấn Độ không tổng hợp dữ liệu về tỷ lệ tử vong một cách chính xác, các chuyên gia cho rằng con số thực tế sẽ cao hơn nhiều.

"Nhiều người coi đợt nắng nóng là hiện tượng lâu dài của tự nhiên và ít mong chính phủ can thiệp. Nó phản ánh vấn đề rộng lớn hơn, đó là người dân đặt kỳ vọng quá thấp vào chính phủ", Neelanjan Sircar, Trung tâm Thông tin Nhanh (CRI), nhận định.

Thục Linh (Theo BBC)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022