* Tiếp tục cập nhật
GS.TS Lê Văn Quảng chia sẻ nhận định trên tại tọa đàm Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn, do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức, đồng thời xem đây là một trong những thách thức của bệnh viện khi hoạt động theo cơ chế tự chủ toàn diện.
Bệnh viện K, cùng với Bạch Mai, là hai bệnh viện hai năm qua thí điểm cơ chế tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. Tuy nhiên, những khó khăn bủa vây khiến cả hai bệnh viện lần lượt xin dừng tự chủ toàn diện, chuyển sang tự chủ chi thường xuyên theo nhóm hai Nghị định 60.
Giám đốc Bệnh viện K nói rằng cơ chế tự chủ toàn diện có điểm mạnh là cơ hội giải phóng khỏi cơ chế cũ, có điều kiện thu hút nhân sự và chủ động đầu tư phát triển y tế, ngoài ra lãnh đạo bệnh viện "nhiều tiền và nhiều quyền hơn". Tuy nhiên, các thách thức bệnh viện phải đối mặt cũng rất nhiều, như không có vốn để đầu tư, giá viện phí chưa được tính đúng tính đủ, áp lực phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và cạnh tranh với các bệnh viện tư nhân để thu hút bệnh nhân. Về phía người bệnh, họ phải trả chi phí điều trị cao hơn.
"Thực tế, dù tự chủ hay không thì bệnh nhân đến Bệnh viện K vẫn đông, hiện số bệnh nhân tăng 30-40% so với trước dịch là bệnh viện đã quá tải, tuy nhiên nguồn thu giảm 1/3 so với trước", ông Quảng nói và chia sẻ K gặp khó khăn về tài chính.
Bệnh viện đang xây dựng cơ sở K1, ở giai đoạn xây thô, nếu hoàn thiện cần 1.020 tỷ đồng. "Nếu tự chủ, chúng tôi không lo được nguồn vốn này", ông Quảng nói. Trước đây bệnh viện có 9 máy xạ trị, nay chỉ có 5 máy hoạt động. Có máy đã hết khấu hao, nên các máy còn lại hiện hoạt động hết công suất 23-24 tiếng/ngày, bệnh nhân thức cả đêm xạ trị. Hiện bệnh viện cần khoảng 10 máy nữa, giá một máy 130 tỷ đồng, nên để đầu tư thì cần rất nhiều tiền.
"Chúng tôi mong nhà nước đầu tư 3-5 năm nữa, sau đó chúng tôi chuyển sang tự chủ toàn diện sẽ không vấn đề gì. Còn hiện tại chuyển sang tự chủ chi thường theo nhóm 2 Nghị định 60 thì phù hợp với bệnh viện trong giai đoạn này.
Tọa đàm về cơ chế tự chủ toàn diện bệnh viện tại Cổng Thông tin Chính phủ. Ảnh: VGP
Hôm 7/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thống nhất cho Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 60, thay vì "tự chủ toàn diện" nhiều tranh cãi thời gian qua. Động thái này được lãnh đạo Chính phủ đưa ra sau hơn hai tuần Bộ Y tế báo cáo về việc thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện K và Bạch Mai, đồng thời kiến nghị cho hai bệnh viện dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định số 60.
Hồi tháng 8, Bệnh viện K và Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện do những khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện theo Nghị quyết 33, đề nghị tiếp tục tự chủ chi thường xuyên theo Nghị định 60. Nghị định 60 chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: nhóm 1 tự chủ toàn diện; nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.
Thực tế, trong quá trình thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K không đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị mới, cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về vay và huy động vốn nên đơn vị không dám thực hiện. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, nguồn thu sụt giảm mạnh, đơn vị kiệt quệ tài chính, không có ngân sách mua sắm máy móc mới dù đang thiếu trầm trọng.
Theo người đứng đầu hai đơn vị, tự chủ toàn diện thất bại cũng xuất phát từ giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ; giá viện phí theo bảo hiểm đã lạc hậu nhiều năm nay; cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thiếu các hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện. Trong đó, Nghị quyết 33 quy định được tự quyết định giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu theo khung giá của Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, đến nay Bộ vẫn chưa ban hành khung giá.
Hầu hết bệnh viện Việt Nam đang tự chủ theo hình thức đảm bảo toàn bộ hoạt động chi thường xuyên hoặc một phần chi thường xuyên (còn chi đầu tư vẫn do ngân sách nhà nước lo). Hai bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện gồm Bạch Mai và K, tự lo tất cả về tài chính, nhân sự, đầu tư phát triển... tức ngân sách nhà nước không còn phải chi.
Lê Nga