Bệnh nhân cho biết trước đây đã thử nhiều cách giảm béo nhưng đều không hiệu quả nên quyết định phẫu thuật khi đang làm việc tại Việt Nam, năm 2021. Sau mổ, chị được hướng dẫn thực đơn ăn uống mới cùng các bài tập vận động phù hợp thể lực, giúp cân nặng giảm dần đến mức ổn định.
"Trước đây tôi thường mệt mỏi và tự ti với cơ thể nặng nề, giờ hạnh phúc tận hưởng cuộc sống, duy trì được thói quen dùng thực phẩm tốt và tập luyện đều đặn", chị Kristy nói.
Ngày 22/2, Ths.BS.CK2 Phan Văn Thái, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV, cho biết bệnh nhân được phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày hình ống. Với phương pháp này, phần phình to của dạ dày được cắt bỏ theo chiều dọc, giúp dạ dày thu nhỏ lại như một chiếc ống. Điều này giúp giảm khả năng tiêu thụ thức ăn trong mỗi lần ăn, từ đó giảm lượng calo nạp vào cơ thể.
Bên cạnh đó, việc cắt dọc dạ dày cũng loại trừ phần phình vị chứa nhiều hormone Ghrelin gây cảm giác đói, giảm sự thèm ăn mà vẫn không làm mất đi cảm giác ngon miệng. Nhờ đó, bệnh nhân giảm cân hiệu quả mà vẫn tận hưởng niềm vui trong ăn uống.
Theo bác sĩ Thái, thời gian qua, bệnh viện đã thực hiện hơn 30 ca mổ tương tự cho các bệnh nhân béo phì. Sau mổ 12 tháng, các bệnh nhân này đạt mức BMI (chỉ số khối cơ thể) trung bình là 25, trong khi trước mổ là 37,5. Cân nặng mất đi trung bình của các bệnh nhân là 35 kg và giảm 83% trọng lượng cơ thể thừa sau một năm, tiếp tục giảm và đạt đến mức độ tốt hơn nữa sau đó.
"Phương pháp nội soi có lợi thế là đau ít, phục hồi nhanh hơn mổ mở trước đây, nên thường sau 5 ngày bệnh nhân đã có thể sinh hoạt bình thường và xuất viện", bác sĩ nói.
Phương pháp này mang lại hiệu quả cho những bệnh nhân béo phì tuổi từ 16 đến 60 với chỉ số BMI từ 35 trở lên, hoặc từ 30 trở lên nếu có các bệnh lý liên quan như tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, ngưng thở khi ngủ... Bác sĩ thường chỉ định sau khi bệnh nhân không thành công với các phương pháp điều trị khác như cải thiện chế độ ăn uống, tập luyện, sử dụng thuốc.
Bác sĩ phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày hình ống để giảm béo cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Trần Đại Quỳnh Vân, Khoa Tim mạch, Bệnh viện FV, cho biết béo phì có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng về tim mạch như suy tim, loạn nhịp tim, hoặc tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, nguy hiểm nhất là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Sau điều trị béo phì, cân nặng giảm thì các biến chứng kèm theo như tim mạch... cũng sẽ giảm hoặc thậm chí là khỏi hẳn, tùy mức độ cân nặng bệnh nhân có thể giảm.
Thực tế, nhiều bệnh nhân sau mổ giảm béo có sự cải thiện rõ rệt những bệnh lý kèm theo. Chẳng hạn, anh Dụ Khải, 28 tuổi, sau mổ thu nhỏ dạ dày hình ống, giảm từ 144 kg xuống còn khoảng 90, các chỉ số đường huyết, huyết áp, nhiễm mỡ gan... dần trở về mức tiêu chuẩn. Trước đó, anh bị tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ, chỉ số đường huyết cao, gây nhiều mệt mỏi, bất tiện trong sinh hoạt.
Điều trị béo phì cũng quan trọng với phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, bởi bệnh có thể gây rủi ro trong quá trình mang thai cho người mẹ và thai nhi, như sảy thai, sinh non, sinh sớm, thai bị chết lưu. Béo phì còn làm thai phụ tăng nguy cơ bị các bệnh lý tiểu đường, cao huyết áp, hội chứng ngưng thở khi ngủ...
"Mổ thu nhỏ dạ dày hình ống là phương pháp hiệu quả để giảm cân cho người béo phì, song đây không phải là phép màu", bác sĩ Thái nói, đồng thời khuyến cáo bệnh nhân cần tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng, thay đổi lối sống sau phẫu thuật để duy trì kết quả lâu dài, tránh các biến chứng. Người bệnh cũng cần tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày, để tăng cường sức khỏe, đốt cháy calo và cải thiện tâm trạng. Sau mổ nên duy trì đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, yoga, thể dục nhịp điệu...
Lê Phương