GiadinhNet – Theo các bác sĩ, do tính chất khối u phức tạp, kích thước lớn, xâm lấn nhiều vào hốc mắt trái, tăng sinh mạch máu nhiều nên nguy cơ chảy máu và tổn thương cấu trúc thần kinh quan trọng rất cao, có thể gây tàn phế, thậm chí tử vong trong mổ.
Gia tăng trẻ mắc bệnh truyền nhiễm
Theo các bác sĩ, thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh lý truyền nhiễm gia tăng và có diễn biến phức tạp hơn trước. Chẳng hạn, tháng 5 vừa qua Norovirus chính là virus lạ đã được gọi tên là nguyên nhân hàng loạt trẻ em bị tiêu chảy, sốt, nôn ói khu vực phía Bắc. Tháng 6, 7, bệnh cúm A ở trẻ gia tăng bất thường vào mùa hè trong khi đây là bệnh lý thường xuất hiện vào mùa đông xuân.
GS.TS Nguyễn Văn Kính – Phó Chủ tịch thường trực Tổng Hội y học Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, hiện bệnh truyền nhiễm đã diễn biến phức tạp không còn theo mùa như trước. Giờ không còn gọi là bệnh truyền nhiễm nói chung mà được phân ra là bệnh truyền nhiễm mới nổi và bệnh truyền nhiễm tái nổi.
GS.TS Nguyễn Văn Kính – Phó Chủ tịch thường trực Tổng Hội y học Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam
Chẳng hạn, bệnh cúm trước chủ yếu gặp ở mùa đông, hiện ngay giữa mùa hè tỷ lệ mắc cũng rất nhiều. Nhất là trong thời gian dịch COVID-19, trẻ mắc bệnh truyền nhiễm thường có diễn tiến nặng khi trẻ phải cách ly ở nhà, không được đi tiêm vaccine nhắc lại đầy đủ. Đa phần, số ca mắc bệnh truyền nhiễm trở nặng rơi vào trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Ngoài ra, GS Kính cũng nhấn mạnh tình trạng các bệnh truyền nhiễm diễn biến nặng cũng có phần từ tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới hiện không theo kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc.
"Việc tăng cường miễn dịch cho trẻ là giải pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm đang gia tăng hiện nay trong đó dinh dưỡng là một trong những yếu tố then chốt", GS Kính cho hay.
Trên góc độ dinh dưỡng, TS.BS Phan Bích Nga – Trưởng Khoa Khám Trẻ em (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) - Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Nhi khoa cho biết, khả năng tăng cường miễn dịch được chi phối bởi một số yếu tố nhưng quan trọng nhất là yếu tố về dinh dưỡng bởi các vitamin, khoáng chất tham gia vào hệ thống miễn dịch cơ thể đặc biệt là vi chất sắt và kẽm có vai trò vô cùng quang trọng.
Tuy nhiên thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tỷ lệ trẻ em thiếu sắt, kẽm ở Việt Nam đang ở mức cao. Điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2019 – 2020, trên toàn quốc có đến 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm và cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt. Việc thiếu vi chất dinh dưỡng, nhất là thiếu sắt và kẽm dễ làm trẻ suy giảm hệ miễn dịch. Đây là hàng rào bảo vệ cơ thể khi lỏng lẻo sẽ tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn hoành hành, gây bệnh. Thiếu kẽm khiến trẻ có nguy cơ nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thấp còi và nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, các bệnh do virus tăng cao hơn.
Lưu ý bổ sung sắt, kẽm tăng cường miễn dịch cho trẻ
TS.BS Phan Bích Nga cho biết, việc bổ sung sắt và kẽm giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh, phòng tránh bệnh truyền nhiễm cần phải đảm bảo đầy đủ trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời kể từ khi còn trong bào thai.
TS.BS Phan Bích Nga khám, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ
Khi mang thai, bà mẹ cần ăn uống đầy đủ và bổ sung thêm viên sắt như khuyến cáo, trẻ mới sinh ra trong 6 tháng đầu nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Trong quá trình cho con bú, mẹ cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và bổ sung đa vi chất để phục hồi cơ thể.
Lượng sắt, kẽm dự trữ 3, 4 tuần cuối thai kỳ sang con chỉ dùng đủ trong 4 tháng – 6 tháng đầu đời với điều kiện mẹ sinh đủ ngày đủ tháng và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong quá trình mang thai. Lượng sắt trong sữa mẹ khá thấp 1 lít sữa mẹ chỉ chứa 0.35mg sắt còn kẽm tốt hơn một chút là 2 – 3mg kẽm.
Tuy nhiên sau 3 tháng lượng kẽm trong sữa mẹ chỉ còn 0,9mg/lít. Bởi vậy để đảm bảo đủ nhu cầu sắt và kẽm, trẻ phải bú mẹ với 1 lượng rất lớn, quá khả năng của cả mẹ và con. Do đó sau 6 tháng với chế độ ăn hàng ngày thông thường, trẻ khó đáp ứng đủ nhu cầu kẽm và sắt.
Sau 6 tháng, khi trẻ ăn dặm, các bà mẹ cần cho con ăn đủ dinh dưỡng bằng chế độ ăn hằng ngày. Kẽm và sắt có nhiều thực phẩm như thịt bò, trứng, thủy hải sản như hàu, sò, ghẹ, và một số loại rau lá xanh… Tuy nhiên, theo nghiên cứu của cuộc điều tra dinh dưỡng Đông Nam Á (Seanuts), bữa ăn hàng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chất điển hình là kẽm và sắt.
TS.BS Phan Bích Nga lưu ý, nhiều người thường lầm tưởng, khi cho trẻ ăn các thực phẩm giàu sắt và kẽm, cơ thể sẽ hấp thu được 100% lượng sắt và kẽm có trong thực phẩm. Nhưng thực tế khả năng hấp thu sắt từ thực phẩm chỉ từ 5-15%, kẽm từ 10-30%. Hơn nữa, sắt và kẽm chủ yếu có trong đạm động vật như trứng, thịt bò, ghẹ, hàu.. trong khi trẻ bắt đầu ăn dặm mới chỉ tập ăn với lượng nhỏ. Lượng ăn không nhiều dẫn tới thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, sắt và kẽm còn bị ức chế hấp thu bởi thực phẩm giàu chất phytate có nhiều thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt. Bởi vậy tỷ lệ thiếu sắt và kẽm ở trẻ sau 6 tháng tăng rất cao. Với những trẻ thiếu sắt và kẽm thường có biểu hiện da tái, da xanh, niêm mạc nhợt; mệt mỏi, hay ngáp vặt, thiếu tập trung, dễ cáu gắt; hấp thu kém, chậm tăng câng; hay ốm vặt…
Để bổ sung phù hợp, mọi người cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, bác sĩ nhi khoa. Tránh việc bồi bổ lạm dụng lại dẫn tới dư thừa sắt và kẽm làm ảnh hưởng sức khỏe trẻ. Lưu ý là sắt và kẽm rất khó hấp thu nên khi lựa chọn các sản phẩm nên chọn loại có thành phần hữu cơ sẽ dễ hấp thu. Đặc biệt trong sản phẩm nên có đủ cả kẽm và sắt theo tỷ lệ sắt kẽm ngang bằng nhau 1:1, hoặc kẽm thấp hơn sắt một chút sẽ đảm bảo hấp thu.