edit-z5264348872502a661a46588bbebff9883a7fa4211b967-17108424316372042241833-51-0-765-1143-crop-17108424447061535679908.jpegCúm mùa gia tăng, những ai dễ gặp biến chứng nặng, cần đặc biệt lưu ý?

GĐXH - Theo các bác sĩ, người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ em là những đối tượng dễ gặp biến chứng khi mắc cúm.

Trẻ nhập viện vì ho gà gia tăng

Hiện nay, tại khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết thay đổi thất thường, lúc nóng, lúc lạnh điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển, lây lan và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu cũng ghi nhận rải rác ở nhiều nơi.

Ghi nhận của PV tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện có nhiều bệnh nhi mắc ho gà có biến chứng đang được các bác sĩ chăm sóc và điều trị tích cực.

Ngồi chăm con gái hơn 2 tháng tuổi, chị D.Q.C (Nghệ An) cho biết, trước khi vào viện, bé ho nhiều, ho khò khè, sau đó sốt cao, có đờm và quấy khóc. Do đang có bệnh nền (rối loạn chuyển hóa bẩm sinh), gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, sau khi thăm khám, các các sĩ chẩn đoán, bé mắc ho gà.

base64-17110063562862128588032.jpeg

Theo các bác sĩ, trẻ mắc ho gà chủ yếu là trẻ dưới 3 tháng tuổi, những trường hợp chưa được tiêm hoặc mới tiêm một mũi vaccine ho gà. Ảnh: N.Mai

Một trường hợp khác cũng đang được điều trị ho gà là bé M.Q (Cầu Giấy, Hà Nội). Mẹ bé cho biết, con trai mới được hơn 1 tháng tuổi, chưa được tiêm phòng vaccine phòng bệnh ho gà. Trẻ vào viện trong tình trạng khò khè, thở rít, bỏ bú và mệt mỏi.

Ngoài 2 trường hợp trẻ sơ sinh, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới còn đang điều trị cho một số trẻ lớn hơn, trong đó có một bé gái 11 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội). Theo người nhà, trẻ ho kéo dài 5 ngày, dù đã mua thuốc giảm ho cho trẻ uống nhưng không khỏi. Sau khi vào viện, được chẩn đoán mắc ho gà và được các bác sĩ điều trị, tình trạng ho của trẻ đã giảm, sức khỏe dần ổn định.

TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận khoảng 40 ca mắc ho gà. Hầu hết các bệnh nhân đều có biến chứng viêm phổi. Hiện tại, còn 7 bệnh nhân có biến chứng vẫn đang được theo dõi và điều trị tại đây.

"Trong các ca ho gà vào trong năm nay hầu hết là trẻ dưới 3 tháng tuổi và đều là những trường hợp chưa được tiêm hoặc mới tiêm một mũi. Cũng có một vài ca đã tiêm 3 mũi cơ bản nhưng chưa tiêm nhắc lại. Một vài ca chưa tiêm vì lý do lúc đến lịch tiêm thì trẻ ốm", TS Lâm nói.

Theo TS Nguyễn Văn Lâm, năm 2019 được đánh giá là ổ dịch ho gà với khoảng hơn 400 ca nhập viện điều trị. Các năm sau đó, số lượng ho gà giảm rõ rệt, chỉ vài ca đến vài chục ca một năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giờ, số lượng ca mắc ho gà tăng vọt lên 40 ca. Trong đó, Hà Nội có 24 ca. Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm, năm nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc ho gà tăng mạnh và có thể tương đương với năm 2019.

Thận trọng trẻ gặp biến chứng nặng do ho gà

TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ho gà là bệnh truyền nhiễm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt, tỷ lệ mắc cao nhất là nhóm trẻ chưa được tiêm phòng, chưa đến tuổi tiêm phòng như trẻ dưới 2 tháng tuổi.

Tuy nhiên, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới cũng ghi nhận khoảng 5-10% trẻ nhập viện là trẻ lớn đặc biệt là các trẻ ở lứa tuổi học đường. Bởi nhóm tuổi này chủ yếu chưa được tiêm phòng nhắc lại bệnh ho gà, khiến nguy cơ mắc bệnh gia tăng.

Đơn cử trường hợp bé gái 11 tuổi trên, theo BS Nga, 2 năm đầu đời gia đình cho biết đã tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Tuy nhiên sau đó chưa tiêm nhắc. Đây có thể là yếu tố khiến trẻ mắc bệnh.

z52705683463826230b8865e0c4a88b4ac3710fa915311-17110056351131336327330.jpg

TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm nay tỷ lệ bệnh nhân mắc ho gà tăng mạnh, có thể tương đương năm 2019. Ảnh: N.Mai

Với bệnh nhân mắc ho gà, theo TS Nguyễn Văn Lâm, trẻ thường khởi phát bởi những cơn ho, sau đó ho nặng dần, ho rũ rượi, có thể có tím, ngừng thở trong cơn. Sau cơn ho, trẻ xuất hiện thở rít, thở rít vào. Một số trường hợp trẻ ho kèm nôn ra thức ăn và đờm trắng dính khiến trẻ rất mệt, khó chịu. Cơn ho cứ tiếp diễn như vậy, kéo dài 1, 2 tháng thậm chí 3 tháng làm cho trẻ kém ăn, bỏ bú và có thể gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Lâm, ho gà là bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh, có thể kéo dài hơn 20 ngày nếu không được điều trị. Trường hợp bệnh nhân được điều trị, tỷ lệ lây từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác chỉ khoảng 5 ngày. Thông thường một liệu trình điều trị bệnh nhân ho gà kéo dài từ 7-10 ngày. Sau đó, sẽ điều trị theo đơn của bác sĩ. Các trường hợp có biến chứng nặng, thời gian điều trị sẽ kéo dài lâu hơn.

Theo đó, các biến chứng của ho gà bao gồm viêm phổi, có thể do ho gà cũng có thể do bội nhiễm, nhất là khi trẻ hít phải bã thức ăn, hoặc hít ngược đờm rãi vào trong phổi. Bên cạnh đó, trẻ có thể gặp tình trạng tăng áp phổi hoặc biến chứng viêm não, viêm màng não do ho gà. Trong đó, trẻ dưới 3 tháng tuổi là nhóm đối tượng gặp biến chứng cao nhất.

Làm gì để phòng ngừa ho gà cho trẻ?

Theo các bác sĩ, ho gà là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng có thể dự phòng được bằng vaccine. Bố mẹ cần cho trẻ tiêm vaccine ho gà khi trẻ được 2 tháng tuổi và tiêm 2 mũi tiếp theo (lúc trẻ 3 và 4 tháng tuổi), mỗi mũi cách nhau 1 tháng. Khi trẻ 18 tháng, tiêm nhắc lại cho trẻ một mũi. Sau đó 3-5 tuổi nhắc lại mũi nữa.

base64-171100681177749293116.jpeg

Trẻ mắc ho gà đang được điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: N.Mai

Đến tuổi vị thành niên hoặc trước khi sinh đẻ cũng nên tiêm phòng ho gà. Việc này không chỉ giúp bảo vệ người mẹ mà còn có khả năng bảo vệ em bé khi chào đời, giảm nguy cơ mắc ho gà.

Theo nhận định của TS Nguyễn Văn Lâm, ho gà và một số bệnh có vaccine dự phòng, chu kỳ 3-5 năm sẽ xuất hiện trở lại với nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ quan nhất là do tiêm chủng không đầy đủ hoặc do ý thức của bố mẹ chủ quan "không tiêm cũng được".

"Điều quan trọng nhất để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm đã có vaccine là chúng ta phải tiêm vaccine đầy đủ những mũi cơ bản, sau đó tiêm nhắc lại theo đúng lịch trình của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đã khuyến cáo", Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo.

Ngoài tiêm phòng ho gà, theo các bác sĩ, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, bố mẹ nên dạy trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở sạch sẽ; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà…

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có Công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị các địa phương tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.

Bên cạnh đó, thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình TCMR đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vaccine phòng bệnh.

Đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh ho gà, các bệnh dự phòng bằng vaccine để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời…

Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận trường hợp mắc bệnh, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng để chủ động ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine.

edit-z5266396942746f77a21a227a9033730212d894a022ba5-17109070763361012792186-162-0-1762-2560-crop-1710907086632319977157.jpegNhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát 'tấn công' trẻ, bệnh dễ trở nặng và biến chứng, bố mẹ tuyệt đối không được lơ là, chủ quan!

GĐXH – Theo các chuyên gia, với điều kiện thời tiết hiện nay, không chỉ gia tăng các bệnh đường hô hấp như cúm mùa, hen phế quản... mà còn làm lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ như sởi, thủy đậu, tay chân miệng...

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022