Thông tin được PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim Mạch Việt Nam, cho biết lại buổi hưởng ứng Ngày thế giới tim mạch, sáng 16/9. Chương trình nhằm cảnh báo gánh nặng y tế do bệnh tim mạch và đưa ra lời khuyên giúp mọi người cho một trái tim khỏe.

Hai năm qua, thế giới trải qua một đại dịch Covid với nhiều tổn thất nặng nề và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe con người, về kinh tế và an sinh xã hội. Song, theo ông Hùng có một "đại dịch" khác đã tồn tại và đang phát triển mạnh đó là các bệnh không lây nhiễm, bao gồm các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh ung thư, tâm thần..., nhất là các bệnh lý tim mạch.

Bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Mỗi năm, bệnh lý này bao gồm cả đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu thế giới cướp đi 19,5 triệu sinh mạng, theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022.

"Tử vong do tim mạch nhiều hơn do ung thư, COPD và đái tháo đường gộp lại", ông Hùng nói, thêm rằng kể cả khi đại dịch Covid xảy ra, chỉ là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 3, còn hàng đầu vẫn là bệnh tim mạch.

2-2807-1694837166.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vplg68bfNPmPUUNuDPuebA

Người dân đo huyết áp tại Viện Tim mạch Quốc gia. Ảnh:Lê Nga

Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, chiếm tới 75%. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.

Theo thống kê của Viện Tim Mạch qua các năm từ 2000 đến năm 2015, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và đã chiếm 25%, cứ 4 người trưởng thành có một người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.

Ông Hùng cho biết bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song, trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên "cao hơn chúng ta nghĩ, nó có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào, tuổi mới bị mắc cũng ngày càng trẻ hóa".

"Người trẻ thường cho rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh nên họ thường chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Đó là gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình cũng như toàn xã hội", ông Hùng nói.

377458785-1014743676527744-992-4498-5918-1694837166.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ixjrErmDBnsWcJl-V7SWEQ

Hơn 2000 người tham gia đinh bộ hưởng ứng Ngày thế giới tim mạch. Ảnh: H.Hải

Các bệnh lý tim mạch chủ yếu liên quan đến các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm gia đình, chủng tộc, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường... nhưng đặc biệt là các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống (lười vận động, thói quen có hại, hút thuốc lá, uống rượu quá mức, chế độ ăn uống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường, căng thẳng (stress), thiếu hiểu biết hoặc chủ quan trong tiếp cận phòng, chữa bệnh.

Theo ông Hùng, kinh nghiệm của các nước phát triển cũng như các thành tựu khoa học cho thấy, hầu hết bệnh tim mạch có thể phòng ngừa và chữa được một cách chủ động. Không hút thuốc lá, ăn giảm mặn, không ăn nhiều mỡ động vật, hạn chế uống rượu bia, tập vận động thể lực mỗi ngày... có thể giúp chúng ta tránh được ít nhất 80% các ca tử vong sớm do bệnh tim mạch.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022