15 năm trước, anh Cường bất ngờ mờ mắt, phù người, đi khám phát hiện suy thận giai đoạn cuối, huyết áp cao gây biến chứng võng mạc. Anh bất ngờ bởi trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, lần đầu vào viện khám cũng là lúc phải chạy thận cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất.
"Khi đó, ở tuổi 32, tôi không biết gì về bệnh, chưa từng nghe đến chạy thận", anh kể.
Những ngày đầu, anh liên tục vào viện, công việc gián đoạn, lễ Tết cũng không được nghỉ. Có lúc anh suy sụp, chán nản vì bệnh tật, thu nhập bấp bênh, thiếu trước hụt sau. Nhờ vợ con động viên, anh vực dậy tinh thần, học cách chấp nhận và sống chung với bệnh.
Anh nghỉ làm tài xế ô tô, chuyển sang chạy xe ôm công nghệ để chủ động thời gian chạy thận. Thu nhập bấp bênh, có ngày kiếm 200.000-300.000 đồng, nhưng cũng có hôm chỉ vài chục nghìn. Gần đây, sức khỏe yếu dần, thường xuyên loạn nhịp tim, người đàn ông không đủ sức chạy xe, không thể đóng 3-4 triệu đồng viện phí sau bảo hiểm. Từ 72 kg, anh giờ chỉ còn hơn 60 kg. Nhiều đêm, anh lên cơn loạn nhịp, vợ con phải thức đến sáng để xoa bóp, massage.
"Tôi không dám mơ ghép thận vì chi phí quá lớn, chỉ mong đủ tiền chạy thận", anh nói.
Tương tự, chị Thanh Thúy, 47 tuổi, sau 14 năm chạy thận cũng kiệt sức, phải nghỉ làm công nhân may từ tháng 3, sống nhờ trợ cấp thất nghiệp 3,3 triệu đồng/tháng, vừa đủ đóng viện phí. Đến tháng 3 năm sau, khi hết trợ cấp, chị chưa biết xoay xở ra sao.
Chị phát hiện suy thận giai đoạn cuối ở tuổi 33, sau khi đi khám vì mệt mỏi, đau lưng, da sạm. Khi đó, người phụ nữ vừa ký hợp đồng dài hạn, công ty vẫn cho làm việc vào ngày không chạy thận. Thu nhập giảm một nửa, sau tăng dần lên 5 triệu đồng, nhờ bảo hiểm duy trì được điều trị.
Từ huyện Hóc Môn, chị đi xe buýt một giờ đến Bệnh viện Thống Nhất, hôm nào mệt phải đi xe ôm, tốn vài trăm nghìn mỗi tháng. Gần đây, sức khỏe yếu, xương thoái hóa, chị không thể ngồi may, nghỉ việc ở nhà lo cơm nước cho mẹ già hơn 80 tuổi. Giống anh Cường, chị không dám nghĩ đến ghép thận vì chi phí quá lớn.
"Cũng may tôi bị bệnh khi chưa có con, nếu không thì không biết làm sao lo nổi", chị chia sẻ.
Chạy thận nhân tạo là phương pháp điều trị thay thế thận phổ biến với người suy thận giai đoạn cuối, bên cạnh hai phương pháp khác là lọc màng bụng và ghép thận. Ảnh: Phùng Tiên
Việt Nam ghi nhận hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Tỷ lệ mắc bệnh thận mạn mới hằng năm là khoảng 8.000 người, 800.000 bệnh nhân cần phải chạy thận lọc máu, chiếm 0,1 % dân số. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có 5.500 máy chạy thận phục vụ 33.000 bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong do bệnh này đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tại nhiều bệnh viện, số bệnh nhân trẻ bị suy thận có chiều hướng tăng nhanh.
Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, ba tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận 450 bệnh nhân lọc máu chạy thận định kỳ, trong đó có gần 60 bệnh nhân dưới 35 tuổi, chiếm 15%. Điểm chung là những người bệnh này vào đến khoa hầu như đều ở giai đoạn cuối. Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cũng cho biết trong khoảng 5 năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng lên khoảng 5-10%.
Bệnh thận và suy thận mạn tính là gánh nặng của ngành y tế cũng như gia đình người mắc. Khảo sát Inside CKD trên 11 quốc gia cho thấy chi phí chi trả cho bệnh thận mạn hàng năm lên đến hàng tỷ USD, chiếm 2,4-7,5% chi tiêu y tế hàng năm. Phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn cuối cho các liệu pháp chạy thận nhân tạo, thay thế thận, đặc biệt tăng cao.
Tại Việt Nam, ước tính chi phí một tháng chạy thận nhân tạo khoảng 2,5-12 triệu đồng (tùy chất lượng, dịch vụ từng nơi) sau khi trừ bảo hiểm y tế. Thực tế, chạy thận nhân tạo là một quá trình điều trị suốt đời, trừ khi bệnh nhân được ghép thận thành công. Như vậy, việc chi trả chạy thận nhân tạo ở nước ta là một gánh nặng tài chính lớn đối với nhiều người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp hoặc sống ở vùng nông thôn. Nhiều gia đình phải bán tài sản, vay mượn, hoặc phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ cộng đồng để duy trì điều trị.
PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết người trẻ tuổi mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối như anh Cường, chị Thúy thường rất khủng hoảng, suy sụp tinh thần và cũng nặng gánh kinh tế hơn so với nhóm bệnh nhân lớn tuổi. Bởi, họ đang ở độ tuổi lao động, phải gián đoạn công việc trong khi con cái còn nhỏ, cần chi phí lớn để nuôi con, chưa kể trách nhiệm phải chăm sóc cha mẹ già.
Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: Phùng Tiên
Theo bác sĩ Bách, nếu quan tâm chất lượng lọc máu, màng lọc tốt, thời gian chạy đủ, việc chạy thận có thể giúp kéo dài cuộc sống người bệnh suy thận giai đoạn cuối. Nhiều bệnh nhân vẫn đi làm các công việc không cần thời gian cố định như bán hàng online, phụ việc nhà theo giờ..., không chỉ giảm gánh nặng kinh tế mà còn được tham gia cuộc sống xã hội, đỡ cảm giác bệnh tật. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự chung tay tạo điều kiện rất lớn của xã hội dành cho những người bệnh thiệt thòi, yếu thế.
"Với những người đi làm, chúng tôi luôn cố gắng sắp xếp ca chạy thận thuận tiện nhất, đa số vào ban đêm, hoặc ưu tiên ca vào các thứ 3-5-7, để có thời gian làm việc được nhiều nhất có thể", bác sĩ nói.
Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo mọi người khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần. Đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Việc phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa quan trọng, tránh được tình trạng phải chạy thận suốt đời. Chỉ cần xét nghiệm máu kiểm tra chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu và siêu âm hệ tiết niệu là có thể sàng lọc và phát hiện sớm suy thận mạn tính.
Kiểm soát tốt các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường. Không ít người mắc những bệnh này nhưng không tuân thủ điều trị của bác sĩ, do thấy bản thân vẫn khỏe, dẫn đến biến chứng suy thận. Cẩn trọng khi dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc giảm đau, thuốc đông y, thực phẩm chức năng... Từng có những bệnh nhân ngoài 20 tuổi không thể hồi phục chức năng thận, phải chạy thận suốt đời, do tổn thương quá nặng sau khi uống thuốc trôi nổi mua trên mạng để giảm cân.
Lê Phương