Làm việc với Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật phòng chống thuốc giả, thực phẩm giả tại TP HCM ngày 22/7, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết đây là đường dây đáng chú ý nhất trong số 9 vụ thuốc giả do công an triệt phá thời gian qua.
Cơ quan chức năng thu giữ gần 1.600 kg bột nguyên liệu không rõ nguồn gốc cùng hàng trăm kg nguyên liệu bao bì, nhãn hiệu, vỏ hộp thuốc các loại cùng dây chuyền, máy móc (máy đóng viên nang, máy ép vỉ, máy đánh bóng, máy đóng hộp...) và nhiều vật chứng khác. Thuốc giả được đem đi tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ thông qua các xe vận chuyển hàng hóa tuyến miền Tây - TP HCM.
Thời gian qua, tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả có xu hướng gia tăng với hàng loạt vụ việc lớn bị phanh phui. Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cũng phát hiện hàng trăm vụ vi phạm, tạm giữ hàng trăm nghìn sản phẩm thuốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng, buộc tiêu hủy khối lượng lớn hàng hóa vi phạm.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam nhận định việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm giả đang diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Nhóm sản xuất thuốc giả bố trí cùng lúc tại nhiều địa điểm, sử dụng mạng xã hội hoặc ứng dụng giao hàng tận nhà để mua bán nhằm che giấu địa điểm. Khu vực sản xuất thường đặt tại các khu vực nhà không số, ít người qua lại hoặc núp bóng dưới hoạt động sản xuất của các công ty bình phong để tránh sự chú ý của người dân và cơ quan chức năng.

Một phần tang vật cảnh sát thu giữ trong đường dây sản xuất thuốc tân dược giả ở TP HCM hồi đầu năm. Ảnh: Công an cung cấp
Lãnh đạo ngành y tế TP HCM cho rằng sau sáp nhập, địa bàn thành phố rất rộng lớn, đòi hỏi các cơ quan ban ngành phải phối hợp triển khai giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, ngăn chặn tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay nhân lực và nguồn ngân sách còn hạn chế, trang thiết bị chưa đáp ứng tốc độ phát triển của thị trường và thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi.
Việc kiểm soát quảng cáo thuốc, thực phẩm, đặc biệt trên các nền tảng số vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhóm lừa đảo thường sử dụng tài khoản ẩn danh, thay đổi địa chỉ liên tục, sử dụng hình thức livestream bán hàng hoặc thuê người nổi tiếng quảng cáo. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng ưa chuộng các loại hàng "xách tay", sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ do tâm lý chuộng hàng ngoại hoặc vì giá rẻ.
Sở Y tế TP HCM kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Hình sự theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và tăng khung hình phạt. Bổ sung mức xử phạt nặng đối với hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng sức khỏe người dân. UBND TP HCM đề xuất xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu phối hợp liên ngành, góp phần ngăn chặn thuốc trôi nổi từ biên giới và nội địa hóa trái phép. Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm để tăng cường công tác kiểm tra chất lượng thuốc, thực phẩm.
Lê Phương